ClockThứ Hai, 13/08/2018 10:39

Hiểm họa an ninh sau vụ cướp máy bay để tự sát tại Mỹ

Việc một nhân viên có thể dễ dàng đánh cắp máy bay khỏi sân bay ở Mỹ trước khi đâm xuống một hòn đảo để tự sát đã đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn cho các chuyến bay chở khách trong tương lai.

Đức và Thuỵ Sĩ điều tra một thám tử tư liên quan vụ MH17Máy bay Pháp hạ cánh khẩn cấp do nghi ngờ có bomTrực thăng Apache Mỹ rơi, hai phi công thiệt mạng

Ảnh chụp màn hình video quay lại cảnh máy bay Q400 bay trên bầu trời Washington sau khi bị đưa ra khỏi sân bay. Ảnh: Seattle Times

Richard Russelll đã làm việc cho hãng hàng không Horizon Air được 3 năm rưỡi với vai trò là nhân viên dịch vụ mặt đất. Công việc hàng ngày của Russell là hướng dẫn máy bay cất cánh và tiến vào cổng, xử lý hành lý và làm tan băng đọng lại trên máy bay. Vào tối 10/8, Russelll đã lên một kế hoạch đánh cắp máy bay ngoạn mục mà đến bây giờ nhiều người vẫn không thể tin anh ta có thể thực hiện điều đó ngay tại một sân bay của Mỹ.

Máy bay Horiozon Q400 mang số hiệu N449 QX đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Seattle-Tacoma ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ vào lúc 13h35 chiều 10/8 sau chặng bay ngắn từ thành phố Victoria, Canada. Theo kế hoạch đây sẽ là chuyến bay cuối cùng của máy bay với 76 chỗ ngồi này và chiếc Q400 sẽ đỗ tại khu vực bảo dưỡng và hàng hóa ở góc đông bắc của sân bay.

Vào thời điểm đó, Russelll đang có ca làm việc tại sân bay Seattle-Tacoma - sân bay lớn thứ 9 tại Mỹ. Thanh niên 29 tuổi này đã sử dụng xe kéo, gắn nó vào chiếc Q400 trước khi chuyển hướng máy bay xoay 180 độ và tiến về phía đường băng.

Vào khoảng 19h30, một số nhân viên tại trạm kiểm soát không lưu đã nhìn thấy máy bay của Horizon Airlines đứng ngay giữa 3 đường băng của sân bay. Một nhân viên đã gọi cho phi công lái chiếc máy bay này để yêu cầu nêu danh tính, tuy nhiên không ai trả lời. Nhân viên này gọi lại 2 lần và cũng không có ai lên tiếng.

Khoảng 1 giờ 10 phút sau đó, giới chức hàng không và cảnh sát thông báo Russell đã đâm máy bay xuống một khu rừng trên đảo Ketron cách sân bay không xa. Cảnh sát xác định Russelll đã thiệt mạng và là người duy nhất gây ra vụ việc này.

Sau khi phát hiện máy bay bị cướp, Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ đã triển khai 2 máy bay chiến đấu F-15 bám đuổi để tìm cách đưa chiếc Q400 tránh xa khu vực đông dân cư tại Seattle. Russell đã thực hiện nhiều cú nhào lộn trên không mà cảnh sát mô tả là “cực kỳ khủng khiếp” trong khi các nhân viên trạm không lưu tìm cách trò chuyện để thuyết phục Russell hạ cánh an toàn.

Đoạn băng ghi âm ghi lại cuộc hội thoại giữa Russell và nhân viên kiểm soát không lưu cho thấy anh ta tỏ ra rất phấn khích khi ngồi trên máy bay. Nhân viên sân bay liên tục hối thục Russell tìm đường băng để đáp máy bay, song rốt cuộc Russell vẫn để chiếc Q400 rơi, gây ra đám cháy trên diện tích rộng gần 0,8 ha.

Bài học cho ngành hàng không

Nhân viên sân bay Richard Russell. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cho rằng vụ việc vừa xảy ra là hồi chuông cảnh báo cho ngành hàng không và dẫn tới việc các sân bay sẽ thắt chặt các biện pháp an ninh nhằm kiểm soát hoạt động của các máy bay.

“Đây sẽ là bài học lớn cho ngành công nghiệp hàng không. Vụ việc này thực sự rất lớn”, nhà phân tích hàng không Justin Green nhận định.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào một nhân viên mặt đất như Richard Russelll có thể thành công trong việc cướp máy bay và điều khiển nó trong một giờ đồng hồ ngay cả khi bị máy bay quân sự bám đuổi.

“Nếu phi công này, thay vì thực hiện như cách anh ta đã làm (lao máy bay xuống đảo), mà muốn lao máy bay xuống vùng đô thị Seattle, nếu các máy bay chiến đấu không thể chặn anh ta, nếu trạm kiểm soát không lưu không ngăn anh ta. Đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng”, Justin Green cho biết.

Văn phòng Cục Điều tra liên bang (FBI) tại Seattle, đơn vị đang dẫn đầu cuộc điều tra về vụ cướp máy bay, cho biết vụ việc này không liên quan tới khủng bố. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định vụ việc đã cho thấy những lỗ hổng đáng báo động về an ninh sân bay sau khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9 gây chấn động thế giới.

Theo Brad Tilden, giám đốc điều hành của Alaska Airlines, Russell đã trải qua quá trình kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng, được cấp đồng phục, có bằng cấp phù hợp và được phép ra vào khu vực an ninh của sân bay. Mặc dù giới chức Mỹ nhận diện Russell như một người biết lái máy bay, song anh ta không phải là phi công được cấp bằng lái.

“Họ là các nhân viên chuyên nghiệp. Họ ở đó để làm việc với máy bay. Đó là ngành hàng không ở Mỹ. Cửa trên máy bay không được khóa giống trên ô tô”, Brad Tilden cho biết.

Trước khi cất cánh, Russell đã dùng xe kéo để di chuyển chiếc Q400. Thông thường, việc kéo máy bay như vậy sẽ cần tới 2 người cùng làm.

“Họ cần thực sự rà soát lại quy trình cũng như thủ tục và xem khâu nào bị bỏ sót. Việc anh ta tự tới khu vực đó, tự kéo máy bay, tự đưa máy kéo ra ngoài và tự lên máy bay để lái đi… chuyện xảy ra mà không có bất kỳ ai trong đội ngũ nhân viên mặt đất phát hiện được, đối với tôi đó là điều kỳ lạ. Tất cả sân bay tại Mỹ sẽ phải xem lại liệu quy trình hiện hành có cần thay đổi hay không”, cựu thanh sát viên về an toàn hàng không David Soucie, cho biết.

“An ninh là điều cần được xem xét rất nghiêm túc, và trường hợp này rõ ràng là một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng. Tôi không ngạc nhiên nếu sắp tới sẽ có thêm các bước để thay đổi quy trình hoặc bổ sung thêm… Mối đe dọa ngay từ bên trong cần được xem xét nghiêm túc”, Michael Huerta, cựu giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho biết.

Các máy bay xếp hàng chờ tại sân bay Sea-Tac do sân bay tạm dừng các chuyến bay sau vụ cướp máy bay vào tối 10/8 Ảnh: Seattle Times

Để đối phó với các mối đe dọa từ bên trong là điều không dễ dàng với các sân bay. Nhiều biện pháp an toàn đã được triển khai như kiểm tra lý lịch để đảm bảo rằng bất kỳ ai làm việc tại khu vực bên trong sân bay đều không tiềm ẩn nguy cơ. Tuy vậy, ngay cả khi một nhân viên sân bay đã kết thúc ca làm, anh ta vẫn có quyền được đi vào khu vực an ninh.

Theo nhà phân tích hàng không Mary Schiavo, công việc hàng ngày của một nhân viên mặt đất như Russell không liên quan tới bộ phận điều khiển máy bay. Tuy vậy, việc Russell có thể cho máy bay quay đầu, chuyển hướng và nhào lộn trên không trung chứng tỏ anh ta có một số kỹ năng lái máy bay nhất định.

Schiavo cho biết so với các hành khách đi máy bay, 900.000 nhân viên sân bay tại Mỹ thường ít phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh và rà soát hơn. Ngoài ra, không giống các phi công chuyên nghiệp, việc kiểm tra sức khỏe đối với các nhân viên sân bay cũng không bao gồm các bài kiểm tra về tâm lý. Ngay trong cuộc trò chuyện với nhân viên kiểm soát không lưu, Russell đã tự nhận anh ta là “một người tuyệt vọng” đau khổ.

“Chúng ta thực sự cần nhìn vào vấn đề tâm lý. Chính Russell đã nói anh ta đang tuyệt vọng”, Nick Junka, đồng nghiệp cũ của Russell, nói.

Hiện chưa rõ liệu Russell đã từng học lái máy bay chưa. Tuy nhiên khi trò chuyện với nhân viên trạm kiểm soát không lưu, Russell nói rằng từng “chơi một số trò chơi điện tử trước đây”. Điều này cho thấy Russell có thể từng chơi các trò chơi về máy bay, hoặc từng sử dụng thiết bị bay mô phỏng mà công chúng hoàn toàn có thể tiếp cận dễ dàng tại một số trung tâm. Ngoài ra, nhiều thành viên trong cộng đồng hàng không sẵn sàng chia sẻ kiến thức về nguyên lý hoạt động của máy bay và những người thực sự đam mê có thể học được từ đó.

“Vấn đề đặt ra là mọi người có thể tiếp cận với kiến thức về máy bay khi chơi trò chơi điện tử… Nó mang lại cảm giác rất thật, và mức độ chính xác của những trò chơi này thực sự đáng ngạc nhiên”, Jon Ostrower, biên tập viên của tạp chí hàng không Air Current, nhận định.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

TIN MỚI

Return to top