ClockThứ Tư, 29/08/2018 16:10
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM):

Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ sớm được ký kết

TTH.VN - Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước châu Á - Thái Bình Dương đã tiến đến một giai đoạn quan trọng và có thể sẽ sớm hoàn tất, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm nay (29/8) khẳng định.

Hội nghị Bộ trưởng RCEP kỳ vọng những tiến bộ đáng kểCác nước tham gia RCEP kỳ vọng sớm hoàn tất hiệp địnhNhật Bản, ASEAN đẩy mạnh các cuộc hội đàm về RCEPSingapore - New Zealand tăng cường hiệp định thương mại tự do RCEP

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM) và các cuộc họp liên quan khai mạc ngày 29/8 tại Singapore. Ảnh: Mediacorp

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết các nước ASEAN đã “nỗ lực hết mình” để đạt những bước tiến trong tiến trình hoàn tất RCEP. Khi được ký kết, RCEP sẽ hình thành khối giao dịch lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, các bên ký kết bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Singapore, quốc gia giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018, đang tổ chức một loạt các cuộc họp hàng năm từ 28/8 – 1/9 tại khách sạn Shangri-La.

Cũng trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng, tăng cường hợp tác kinh tế khu vực và hội nhập là chìa khóa để ASEAN nhận thức đầy đủ tiềm năng của mình. Điều này bao gồm việc chú trọng thực hiện Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, cũng như hỗ trợ một hệ thống đa phương mở, trong bối cảnh xung đột thương mại đang gia tăng.

Theo nhà lãnh đạo Singapore, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và các đối tác chính đã gây áp lực lên hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc - hệ thống vốn củng cố cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của ASEAN. Mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng chịu tác động và những áp lực khác nhau từ các cường quốc lớn hơn.

"Trong những trường hợp này, tất cả các nước thành viên phải đoàn kết và cố gắng duy trì sự gắn kết và hiệu quả", Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, “các cuộc đàm phán RCEP đã diễn ra trong một thời gian, và giờ đây đã đạt đến giai đoạn quan trọng. Sau một lượng lớn công việc, khả năng hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP đang hiện ra trước mắt”.

Mô tả điều này như “một tín hiệu quan trọng đối với thế giới”, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước thành viên RCEP “xem xét lâu dài, duy trì động lực, tham gia xây dựng và linh hoạt tối đa” cho một thỏa thuận chất lượng cao được ký kết trong năm nay. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đối với việc thực hiện đầy đủ Kế hoạch chi tiết AEC 2025.

"Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp ASEAN hoạt động liên tục hơn trong khu vực, và làm cho các công ty của chúng ta, nền kinh tế của chúng ta cạnh tranh hơn trên toàn cầu", ông nói.

ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, sau Mỹ, Trung Quốc và EU. Trong những năm gần đây, tăng trưởng GDP của ASEAN đã đạt trung bình 5,4%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng quanh mức này trong 5 năm tới.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo một bài phân tích ngày 7/6 của trang Business Times, sáu nền kinh tế lớn của ASEAN đang được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chiến lược “Trung Quốc + 1”, và khu vực này sẵn sàng đón nhận nhiều dòng vốn FDI hơn nữa khi hội nhập vào mạng lưới toàn cầu.

ASEAN - “Điểm nóng” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Gia tăng nhu cầu về tài chính thân thiện với môi trường ở ASEAN

Trong bối cảnh các quy định về tính bền vững được phát triển và việc công bố thông tin được tăng cường, tài chính thân thiện với môi trường sẽ sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ khi các chính phủ trên khắp khu vực Đông Nam Á ngày càng tìm kiếm những giải pháp tài chính tổng hợp để mở rộng quy mô của các khoản đầu tư, theo ông Sunil Kaushal, đồng Giám đốc Bộ phận Ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư (CIB) của Ngân hàng Standard Chartered.

Gia tăng nhu cầu về tài chính thân thiện với môi trường ở ASEAN
Return to top