Bộ Nội vụ và Chống ma túy Afghanistan đốt hơn 20 tấn ma túy và rượu bất hợp pháp. Ảnh: UN
Nghiên cứu từ Văn phòng Liên Hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng cho thấy hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe liên quan đến ma túy nghiêm trọng và lan rộng hơn so với suy nghĩ trước đây, với khoảng 35 triệu người mắc chứng rối loạn sử dụng ma túy và cần tới các dịch vụ điều trị.
Trong năm 2017, có khoảng 11 triệu người chích ma tuý, trong đó 1,4 triệu người đang nhiễm HIV và 5,6 triệu người mắc bệnh viêm gan C. UNODC giải thích những con số này cao hơn đáng kể một phần là do nghiên cứu được cải thiện và dữ liệu chính xác hơn, với nhiều kiến thức về mức độ sử dụng ma túy từ các cuộc điều tra mới được tiến hành ở Ấn Độ và Nigeria, hai trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo ông Yury Fedotov, Giám đốc điều hành UNODC, "những phát hiện trong Báo cáo Ma túy Thế giới năm nay đã lấp đầy và làm phức tạp thêm bức tranh toàn cầu về thách thức ma túy, từ đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế rộng hơn”.
Sản xuất cocaine tăng lên mức cao kỷ lục
Con số tổng thể của việc sử dụng ma túy trong năm 2017 ước tính khoảng 271 triệu người, cho thấy xu hướng đang tăng lên và số người sử dụng ma túy hiện cao hơn khoảng 30% so với 10 năm trước.
Điều này một phần là do dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15-64 tăng 10%, nhưng tình trạng sử dụng nhóm thuốc opioid ở Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ đang gia tăng, đồng thời mức tiêu thụ cần sa ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á cũng cao hơn. Opiod là nhóm thuốc gây nghiện, có nguồn gốc từ heroin (thuốc phiện), bao gồm các chất tổng hợp như fentanyl và các loại thuốc theo toa khác như Oxycontin và Vicodin.
Việc sản xuất cocaine - chủ yếu từ Nam Mỹ - đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2017, với sản lượng ước tính 2.000 tấn trong năm 2017, tăng 1/4 so với năm trước. Đồng thời, các vụ bắt giữ cocaine đã tăng 13% lên 1.275 tấn, đây cũng là một con số kỷ lục.
Lạm dụng opioid tổng hợp, chủ yếu là Fentanyl và các loại thuốc tương tự, là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Mỹ và Canada, với hơn 51.000 người dùng opioid quá liều được báo cáo vào năm 2017. Các quốc gia ở Tây, Trung và Bắc Phi cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng opioid liên quan đến một loại thuốc khác là Tramadol vốn đang tràn ngập thị trường trong những năm gần đây, với số lượng Tramadol bị bắt giữ đã tăng từ mức dưới 10 kg trong năm 2010 lên khoảng 125 tấn trong năm 2017.
Thực tế, không phải tất cả những người bị rối loạn tâm thần do ma túy đều có thể được điều trị đầy đủ. Theo nghiên cứu, chỉ 1/7 những người bị rối loạn do ma tuý đang nhận được sự giúp đỡ mà họ cần. Các phương pháp điều trị hiệu quả, dựa trên bằng chứng khoa học và phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, không có sẵn hoặc có thể tiếp cận được như họ cần, báo cáo nêu rõ. Do đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế tăng cường can thiệp để giải quyết khoảng cách này.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & UN)