Những đứa trẻ Libya sau ô kính cửa sổ ở một trường đang tạm trú tại thị trấn Bani Walid, ngày 10/5/2016. Ảnh: AFP
Hơn 2,4 triệu người ở Libya đang cần hỗ trợ nhân đạo," ông Martin Kobler - đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ ở Libya cho biết, trong một tuyên bố nhân Ngày Nhân đạo Thế giới 19/8.
"Họ thiếu thuốc men, vaccines và phải đối mặt với các dịch vụ y tế nghèo nàn. Gần 300.000 trẻ em bỏ học và khoảng 350.000 người Lybia phải di dời trong nước", ông Kobler nói thêm.
Các quan chức LHQ cũng ghi nhận tình trạng khó khăn của hơn 270.000 người tị nạn, những người đang bị mắc kẹt ở Libya sau khi phải trốn chạy khỏi quê hương mình.
"Nhu cầu nhân đạo được tạo ra bởi cuộc khủng hoảng ở Libya là rất lớn và điều này chính là động lực để chúng tôi phải nỗ lực hết sức để đem lại hy vọng cho người dân, nhất là những người có nhu cầu cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp", ông Kobler nhấn mạnh.
Libya đang phải vật lộn để đối phó với các chiến binh – lực lượng đang muốn mở rộng sự hiện diện tại quốc gia này sau khi lật đổ nhà độc tài lâu năm Muammar Gaddafi hồi năm 2011.
Lợi dụng sự hỗn loạn ở Libya, các nhóm khủng bố IS cũng nắm quyền kiểm soát thành phố cảng phía bắc Sirte vào tháng 6/2015, gần 4 tháng sau khi tuyên bố hiện diện trong thành phố.
Lực lượng ủng hộ chính phủ Libya đã giải phóng hầu hết các thành phố kể từ khi bắt đầu hoạt động chống lại IS từ tháng 5 vừa qua.
Quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này có 2 chính phủ đối lập kể từ năm 2014, tuy nhiên, đã đạt được đồng thuận về việc thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vào tháng 12 năm ngoái, sau nhiều tháng đàm phán do LHQ làm trung gian ở Tunisia và Morocco, trong một nỗ lực để khôi phục lại trật tự ở nước giàu dầu mỏ này.
Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & ABCnews)