Phụ nữ thường bị bạo hành và sát hại bởi người chung sống hoặc các thành viên gia đình. Ảnh: International News
Trong các số liệu thống kê được công bố nhân ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã thống kê tổng cộng 87.000 vụ giết người có nạn nhân là phụ nữ trên toàn thế giới trong năm 2017, trong đó khoảng 50.000 vụ, tương đương với 58% là do người chung sống (chồng hoặc bạn trai) hoặc các thành viên gia đình khác sát hại. Đáng chú ý, có đến khoảng 30.000 vụ, chiếm 34%, bị một mình “đối tác thân mật” sát hại.
"Con số này cho thấy mỗi giờ, có khoảng 6 phụ nữ bị giết bởi những người mà họ quen biết", cơ quan LHQ này cho biết.
Mặc dù có đến 80% nạn nhân của các vụ giết người trên toàn thế giới là nam giới, nhưng "phụ nữ vẫn tiếp tục phải trả giá cao nhất do bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và những định kiến tiêu cực", giám đốc UNODC Yury Fedotov nhấn mạnh, đồng thời khẳng định rằng "phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị giết bởi các đối tác thân mật và thàn viên gia đình ... khiến ngôi nhà trở thành nơi nguy hiểm nhất cho một người phụ nữ", ông nói.
Theo tính toán của UNODC, tỷ lệ nạn nhân nữ của các vụ giết người trên toàn cầu đang ở mức khoảng 1,3 nạn nhân trên 100.000 phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy, châu Phi và châu Mỹ là những khu vực mà phụ nữ có nhiều nguy cơ bị sát hại bởi các đối tác thân mật hoặc các thành viên gia đình nhất.
Ở châu Phi, tỷ lệ này là khoảng 3,1 nạn nhân trên 100.000 cư dân nữ, trong khi tỷ lệ ở châu Mỹ là 1,6 nạn nhân, ở Châu Đại Dương là 1,3 và ở Châu Á là 0,9. Tỷ lệ nạn nhân nữ thấp nhất được tìm thấy ở châu Âu, với 0,7 nạn nhân trên 100.000 cư dân nữ.
Theo UNODC, trong cuộc chiến chống lại mối nguy cơ này, "không có tiến bộ rõ ràng nào" được thực hiện trong những năm gần đây, "bất chấp pháp luật và các chương trình phát triển để loại trừ bạo lực đối với phụ nữ."
Các kết luận của báo cáo cũng nhấn mạnh "sự cần thiết phải phòng chống loại tội phạm này một các hiệu quả và có các biện pháp hình sự đối với nạn bạo lực với phụ nữ", UNODC cho biết, nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp để tăng cường sự an toàn và trao quyền cho các nạn nhân có nguy cơ.
Nghiên cứu cũng kêu gọi sự phối hợp lớn hơn giữa cảnh sát và hệ thống tư pháp cũng như các dịch vụ y tế và xã hội.
Đồng thời, UNODC cho rằng, gắn kết nam giới vào trong các giải pháp chính là việc quan trọng, bao gồm cả thông qua giáo dục sớm.
Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)