LHQ hướng tới mục tiêu kiếm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Ảnh: AP
Hơn 170 nhà lãnh đạo thế giới đã ký kết Hiệp định khí hậu Paris, nhưng hiệp định sẽ không có hiệu lực cho đến khi 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% tổng lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn hoặc chấp nhận thoả thuận thông qua các thủ tục trong nước của họ.
Với dự kiến ban đầu tiến trình này sẽ mất nhiều năm, nhưng đến nay, 28 quốc gia chiếm 39% lượng phát thải, bao gồm cả 2 nước phát thải lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đều đã phê chuẩn thỏa thuận.
Theo AP sáng nay (21/9), thêm 30 quốc gia dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định khí hậu này trong một sự kiện đặc biệt do Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon điều hành tại trụ sở LHQ ở New York hôm nay, nâng tổng số quốc gia nhất trí với Hiệp định lên 58, mặc dù tổng lượng khí thải của 58 nước này vẫn chưa đạt được mức cần thiết 55%.
Brazil, Mexico và Argentina là những nước phát thải lớn nhất trong danh sách vừa được LHQ công bố cuối ngày hôm qua. Theo đó, tổng lượng khí thải khi có thêm 30 quốc gia mới tham dự sẽ đạt 47%.
Một số quốc đảo nhỏ bao gồm cả Papua New Guinea, Tonga và Kiribati dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định cùng với một số quốc gia khác từ Trung Mỹ, châu Phi, châu Á và Trung Đông.
"Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ thông báo ở New York", Bộ trưởng Môi trường Maroc Hakima el-Haite nói với hãng tin AP.
Trên trường ngoại giao quốc tế, điều này được coi như một bước nhảy vọt, phản ánh sự cấp bách trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và mong muốn thỏa thuận sẽ có hiệu lực trước khi Tổng thư ký Ban Ki-moon và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hết nhiệm kỳ.
Sau nhiều năm đàm phán, vào tháng 12 năm ngoái ở Paris, chính phủ các nước đã nhất trí kiềm chế sự phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác mà các nhà khoa học cho rằng là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu hiện nay.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm qua (20/9), Tổng thư ký Ban - người luôn xem vấn đề thay đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi ông trở thành Tổng thư ký LHQ gần 10 năm trước, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để Hiệp định Paris có thể có hiệu lực vào cuối năm nay.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy các nước khác nỗ lực để hiệp định có thể có hiệu lực trong năm nay. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry dự kiến sẽ gây áp lực với các nhà lãnh đạo nước ngoài bên lề các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ để họ tham gia thoả thuận trong tuần này.
"Chúng tôi rất lo lắng liệu thoả thuận có thể tiến triển một cách nhanh chóng được hay không", phái viên khí hậu Hoa Kỳ Jonathan Pershing nói với AP. "Chúng tôi đang thảo luận với tất cả mọi người về sự cấp bách", ông Pershing nhấn mạnh, "đây là một vấn đề không thể chờ đợi."
Hiệp định Paris đòi hỏi tất cả các quốc gia giàu hay nghèo đều phải có hành động để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đang làm tan chảy các sông băng, khiến mực nước biển dâng cao và gây ra sự dịch chuyển lượng mưa trên toàn cầu. Hiệp định cũng yêu cầu các chính phủ trình bày kế hoạch quốc gia cụ thể nhằm làm giảm lượng khí thải, mặc dù các mục tiêu hướng tới không mang tính bắt buộc.
"Chúng tôi không thể chờ đợi", Bộ trưởng Môi trường Maldives Thoriq Ibrahim, chủ tịch một liên minh các quốc đảo nhỏ cánh báo, "chúng tôi đang ở vị trí “tuyến đầu” của sự thay đổi khí hậu và chúng tôi là những người sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không sớm có hành động phù hợp".
Tố Quyên (Lược dịch từ AP & Foxnews)