ClockThứ Năm, 28/01/2016 09:04

Mỹ kêu gọi WHO hành động nhanh chóng trước sự lan rộng của Zika

TTH.VN - Các nhà nghiên cứu Mỹ ngày hôm qua (27/1) lên tiếng kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới WHO cần có hành động nhanh chóng đối với virus Zika lây truyền qua muỗi, có liến quan đến hàng ngàn trường hợp dị tật bẩm sinh ở Brazil và đang nhanh chóng lan rộng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, Reuters đưa tin sáng nay (28/1).
 

Một nhân viên y tế phun thuốc nhiệt muỗi để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Georgetown thúc giục Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cần lưu ý đến những bài học từ Ebola và phải nhanh chóng hành động. Cụ thể, họ kêu gọi các cơ quan của Liên Hiệp Quốc triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các chuyên gia y tế và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm về cách thức để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh.

Trong một bài viết được Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ công bố ngày hôm qua, các nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ cần triệu tập các cuộc họp thì sẽ tập trung được sự chú ý vào nguồn tài trợ và việc nghiên cứu về loại virus này.

Virus Zika có liên quan đến các trường hợp tổn thương não ở hàng nghìn trẻ sơ sinh tại Brazil. Không có thuốc chủng ngừa hoặc điều trị cho Zika, một loại virus gần với sốt xuất huyết gây sốt nhẹ, phát ban và đỏ mắt. Ước tính có khoảng 80% số người bị nhiễm virus Zika không có triệu chứng, gây khó khăn cho phụ nữ mang thai để có thể biết liệu họ có bị nhiễm virus này hay không.

Cho đến gần đây, Zika vẫn được xem là một bệnh nhẹ. Nhưng mối quan tâm đến nạn dịch này đã gia tăng sau khi phát hiện virus Zika có thể có liên quan đến việc gây dị tật bẩm sinh cho trẻ ở một số nước bị ảnh hưởng và cũng có khả năng dẫn đến hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây chứng liệt người.

Theo Tiến sĩ Daniel Lucey, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, và Lawrence Gostin, chuyên gia về luật y tế toàn cầu, cách thức dịch bệnh đang lan rộng gần đây dự báo "sẽ có thể lây lan toàn cầu thông qua khách du lịch, từ Brazil đến các nước còn lại của châu Mỹ, châu Âu, và châu Á".

Hồi tháng 4 năm ngoái, lãnh đạo của WHO thừa nhận đã có những bước đi sai lầm nghiêm trọng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Ebola, đại dịch tập trung chủ yếu vào 3 nước Tây Phi và giết chết hơn 10.000 người.

WHO cam kết sẽ cải cách, với khẳng định của Tổng giám đốc Chan rằng, đã "học được một bài học" sau khi cơ quan này bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã hành động quá chậm trong việc tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh. Một số nhà phê bình cho biết, phản ứng chậm chạp của WHO đóng vai trò quan trọng trong việc khiến các ổ dịch Ebola bùng phát đến mức tồi tệ nhất trong lịch sử.

Lucey, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm – người đã điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở châu Phi cho biết, cả Brazil và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ đã có phản ứng tốt trong việc ứng phó với sự bùng nổ của virus Zika.

Tuy nhiên, ông Lucey nói thêm rằng, chỉ có Tổng giám đốc Chan mới có quyền triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các chuyên gia hàng đầu để cân nhắc việc tuyên bố Zika là một "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp" mà theo định nghĩa của WHO là một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng quốc tế.

Theo lời một phát ngôn viên của WHO, ông Chan sẽ diễn thuyết trước Ban chấp hành về Zika vào hôm nay, chia sẻ thông tin mà WHO có được về loại virus này, và các hành động được thực hiện để phản ứng trước sự bùng phát của dịch bệnh.

Thách thức trong cuộc chiến chống Zika

Phản ánh mối lo ngại về sự bùng phát đang lan rộng, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/1 kêu gọi cần phát triển nhanh chóng các thử nghiệm, các loại vaccines và phương pháp điều trị để chống lại virus Zika, có thể lan sang Hoa Kỳ trong những tháng thời tiết ấm nóng.

Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota, đồng ý rằng sự bùng nổ Zika đòi hỏi WHO phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, ông cho biết các vấn đề đối với Zika, một căn bệnh do muỗi gây ra, là khá khác biệt so với Ebola, vốn được lan truyền khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Trong khi Ebola cần chuyên gia theo dõi thông tin liên lạc của các cá nhân và các ổ dịch, thì Zika đòi hỏi cần tập trung vào việc giảm số lượng muỗi. Chương trình này nên bao gồm việc dọn dẹp rác trên các đường phố, vốn là nơi sinh sản "lý tưởng" cho muỗi Aedes truyền virus Zika.

Ông Osterholm cũng cho rằng, WHO cần phải cung cấp một cơ cấu rõ ràng trong việc phát triển các loại vaccines và để phát triển các kế hoạch điều trị cho trẻ sinh ra với tật đầu nhỏ và những trẻ có hội chứng Guillain-Barré, bao gồm điều trị tích cực để hỗ trợ thở. "Những bệnh nhân này có thể đòi hỏi sự hỗ trợ y tế mở rộng trong nhiều tháng cho đến nhiều năm tới", ông nói. 

Tố Quyên (lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

TIN MỚI

Return to top