Người dân vận chuyển lo hàng viện trợ ở cảng Sudan. Ảnh: AFP
Tuần trước, nội các đã phê chuẩn đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2016-2017, với mức chi tiêu dự kiến tăng gấp 3 lần, lên đến 29,6 tỷ Sudan pound (tương đương 520 triệu USD).
"Nếu Hội đồng Lập pháp quốc gia chấp thuận, chúng ta sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng các nhà tài trợ thông qua các khoản viện trợ hoặc vay nợ nước ngoài số tiền lên đến 300 triệu USD", Bộ trưởng Tài chính Stephen Dau cho biết trong trên địa phương Đài Miraya FM.
Đất nước trẻ tuổi nhất trên thế giới đã bị tàn phá bởi chiến tranh kể từ tháng 12 năm 2013, khi các binh sĩ trung thành với Tổng thống Salva Kiir đụng độ với quân đội trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar tại thủ đô Juba.
Cuộc xung đột đã làm tổn thương nền kinh tế và khiến rất nhiều người trong tổng dân số 11 triệu không có đủ thức ăn.
Sản xuất dầu, nguồn doanh thu chính của Nam Sudan, đã giảm khi các mỏ dầu bị cắt giảm và giá dầu thế giới lao dốc.
Bộ trưởng Dau cho biết trong năm tài chính 2016-2017, chính phủ dự kiến tăng 9 tỷ Sudan pound doanh thu phi dầu mỏ, tăng khoảng 50% so với năm trước.
"Ngân sách năm tài chính này rất khác so với ngân sách năm trước vì nó có chứa các biện pháp cải cách đã được tư vấn bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi đại diện của tổ chức này đến đây vào tháng 5 vừa qua. Có những biện pháp cải cách sẽ được thực hiện mà theo đó, sẽ dẫn đến sự gia tăng trong doanh thu phi dầu mỏ", Bộ trưởng Dau nói.
Juba cũng đã thực hiện các khoản vay từ các công ty Trung Quốc, và sẽ trả lại thông qua các dự án dầu trong tương lai.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Deng Alor cho biết nước này có kế hoạch yêu cầu Trung Quốc cho vay 1,9 tỷ USD - một khoản tiền tương đương với hơn một phần năm sản lượng quốc gia của mình - được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & AP)