Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại lễ đón ở nhà ga của thành phố Vladivostok ngày 24/4 - Ảnh: AFP
Ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tới thăm Nga kể từ chuyến thăm của cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il, hồi năm 2011. Kênh truyền hình Vesti TV dẫn lời ông Kim trong một cuộc phỏng vấn nói rằng cuộc gặp này sẽ là một "điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hiệu quả về vấn đề hợp tác".
Ông Yuri Ushakov, cố vấn Điện Kremlin, cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều sẽ tập trung vào thế bế tắc trong cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên.
Thảo luận gì?
Ông Ushakov nhấn mạnh Nga sẽ tìm cách "tăng cường các xu hướng tích cực" đến từ cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện không rõ Nga đóng vai trò lớn thế nào trong việc giúp tái khởi động ngoại giao hạt nhân. Tuy nhiên, ông Yuri Ushakov tiết lộ Điện Kremlin sẽ cố gắng giúp "tạo ra những điều kiện tiên quyết và một bầu không khí có lợi để đạt được các thỏa thuận vững chắc đối với vấn đề (phi hạt nhân hóa) bán đảo Triều Tiên".
Ông cũng chỉ ra một lộ trình của Nga và Trung Quốc, theo đó đề xuất cách tiếp cận từng bước nhằm giải quyết thế bế tắc hạt nhân và kêu gọi Mỹ giảm nhẹ trừng phạt cũng như đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Một nội dung quan trọng trong thượng đỉnh Kim - Putin là hợp tác song phương. Ông Ushakov cho biết thương mại Nga - Triều chỉ đạt 34 triệu USD vào năm ngoái, hầu hết do lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.
Theo Hãng tin AP, Nga mong muốn tiếp cận sâu hơn đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên, đặc biệt là kim loại hiếm.
Về phần Triều Tiên, nước này quan tâm tới nguồn cung điện của Nga và mong muốn thu hút đầu tư của người Nga nhằm hiện đại hóa các nhà máy cũ kỹ xây từ thời Liên Xô, hệ thống đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác.
Làn gió mới
Thượng đỉnh Kim - Putin diễn ra chỉ 2 tháng sau cuộc gặp giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội mà không đạt thỏa thuận cụ thể nào.
Thế rồi cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai bên tiếp tục rơi vào thế bế tắc và Triều Tiên vẫn bị "vòng kim cô" cấm vận ràng buộc. Tình hình leo thang khi Triều Tiên công bố thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới. Do đó, thượng đỉnh Kim - Putin đến như một làn gió mới làm mát tình hình căng thẳng.
Đối với Nga, dù khả năng hiện tại của Matxcơva trong việc gây ảnh hưởng lên các quyết định của Triều Tiên được đánh giá có hạn so với Trung Quốc, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều sẽ cho phép Nga trở thành một người chơi quan trọng để giải quyết thế bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, trong bối cảnh mối quan hệ Nga - Mỹ xấu đi nhiều hơn liên quan tới vấn đề Crimea, chiến sự ở Syria và nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vấn đề Triều Tiên được xem là cơ hội hiếm hoi nơi Matxcơva và Washington có thể tìm được sự quan tâm chung và tham gia đối thoại, giải quyết các bất đồng.
"Có những vấn đề mà Washington cùng Matxcơva có thể hợp tác và Triều Tiên là một trong những vấn đề như vậy" - ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, bình luận.
Ông nhấn mạnh cũng thông qua cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều, ông Putin muốn gửi thông điệp tới Washington cũng như Bắc Kinh và Seoul rằng Nga là một bên quan trọng cần có trong các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Đối với Triều Tiên, cuộc gặp Kim - Putin là một bước đi cần thiết giữa thế bế tắc trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều. "Ngay lúc này, sau thất bại của hai bên tại thượng đỉnh lần 2, Nga có thể đóng góp vai trò và điều đó vô cùng hữu ích. Nếu ông Putin gặp mặt ông Trump, vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những câu chuyện được thảo luận" - cựu nhà ngoại giao Nga Georgy Toloraya đánh giá.
Giới chuyên gia nhận định ông Kim có thể sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Triều Tiên với Nga, trong bối cảnh ông ngày càng thất vọng với tình cảnh Mỹ không trao những "món quà" tương xứng với động thái phi hạt nhân hóa phần nào đó của Triều Tiên vào năm ngoái.
Hơn nữa, giữa những đồn đoán về khả năng diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3, thượng đỉnh Kim - Putin sẽ là bàn đạp tiếp sức Triều Tiên khi tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Chuyên gia Trenin cho rằng Tổng thống Putin sẽ nỗ lực lèo lái nhà lãnh đạo Triều Tiên hướng tới một cuộc đối thoại hiệu quả và mang tính xây dựng với Mỹ, nhưng Nga sẽ không hành động quá mức buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận lập trường của Washington.
Hi vọng ông Kim có "ký ức ấm áp"
Đón tiếp ông Kim Jong Un tại nhà ga Hasan (vùng Primorsky, Nga) ngày 24-4, Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc cực Aleksandr Kozlov bày tỏ hi vọng chuyến đi sẽ để lại trong tim nhà lãnh đạo Triều Tiên "một ký ức ấm áp".
Đáp lại, ông Kim khẳng định đây không phải là chuyến công du cuối cùng của ông đến Nga. "Đây chỉ là bước đầu tiên" - ông Kim lưu ý.
Trả lời báo Gazeta.ru, nhà phân tích Konstantin Asmolov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên (Viện hàn lâm Khoa học Nga) nhận xét quan hệ cá nhân giữa ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa hình thành, và cuộc gặp tháng 4 này sẽ là một chỉ dấu. "Rất nhiều thứ phụ thuộc vào việc cuộc gặp kéo dài trong bao lâu" - ông nhận định.
"Một cuộc hội đàm tiêu chuẩn kéo dài một giờ rưỡi, tính cả thời gian phiên dịch, rất khó để đạt được các thỏa thuận lớn nếu không có sự chuẩn bị trước. Không kém phần quan trọng là những địa điểm nào ông Kim Jong Un sẽ đi thăm trong thời gian công du Nga" - ông Asmolov giải thích.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov lưu ý quan điểm của Nga là giải pháp cho vấn đề Triều Tiên phải được thực hiện từng bước, "hành động phải hết sức tinh tế, không cố đưa ra những chuyển động đột ngột, không cố tình tác động đẩy nhanh quá trình".
|