ASEAN trải qua chặng đường 50 năm hình thành và phát triển với những thành tựu quan trọng. Ảnh: Ictsd
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.040 người từ 18 tuổi trở lên ở 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Lạc quan
Ngoài ra, 47% số người được hỏi tin rằng, ASEAN đạt được những thành công lớn trong 50 năm đầu tiên, trong khi 39% nghĩ rằng đó chỉ là thành công nhỏ. Bên cạnh đó, 54% số người được hỏi xem ASEAN chủ yếu là một hiệp hội kinh tế, trong khi 20% cho rằng, tổ chức này đầu tiên và trên hết là một hiệp hội chính trị.
Chỉ có 26% số người được hỏi khẳng định, ASEAN nên tiếp tục với tốc độ phát triển hiện tại, trong khi 53% nghĩ tổ chức nên phát triển "nhanh hơn một chút" và 21% muốn “tiến nhanh hơn nhiều so với hiện nay”.
Đáng chú ý, 88% số người được khảo sát sẽ hỗ trợ tích cực hội nhập kinh tế toàn diện giữa các quốc gia ASEAN, trong khi 68% thậm chí sẽ ủng hộ một đồng tiền khu vực trong tương lai.
Bình luận về kết quả nghiên cứu này, Giám đốc điều hành Blackbox Research, ông David Black nhận định: "Những phát hiện này cho thấy những nhận thức khác nhau giữa các quốc gia Đông Nam Á về những chủ đề cụ thể, cũng như các vấn đề liên quan đến ASEAN. Điều này phản ánh sự đa dạng trong khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng là người dân Đông Nam Á đang ủng hộ mạnh mẽ ASEAN và muốn thấy nhiều tham vọng hơn từ tổ chức này".
Quan điểm của người dân Singapore
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Singapore sẵn sàng tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới. Tuy nhiên, chỉ 59% người dân Singapore có quan điểm tích cực về khối.
Bình luận về quan điểm của người dân Singapore đối với ASEAN, nhà nghiên cứu Termsak Chalermpalanupap của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) cho biết, người dân quốc gia này có thể không xem ASEAN là một điểm đến hấp dẫn, bởi sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Singapore khiến người dân của họ nhìn xa hơn khu vực Đông Nam Á, để thực hiện những ước mơ mới của mình.
Với Singapore, một quốc gia ổn định hơn so với một số quốc gia thành viên khác của ASEAN, người dân Singapore cũng có thể bỏ qua hòa bình và ổn định khu vực, mà không nhận ra vai trò của ASEAN trong việc đảm bảo điều quan trọng này.
Qua đó, ông Termsak đề nghị Chính phủ Singapore có những nỗ lực lớn hơn nữa để "nêu bật tầm quan trọng toàn diện của ASEAN", nhằm thay đổi những nhận thức này, khi Singapore tiếp nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng lấy ý kiến đối với 8 quốc gia ngoại khối khác gồm: Australia, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Singapore và Hoa Kỳ.
Kết quả chỉ ra, Nhật Bản được nhìn nhận tích cực bởi 91% người trả lời, trong khi Singapore nhận được 87%, đứng vị trí thứ 2 trong danh sách. Mỹ có 74% người trả lời đánh giá tích cực, trong khi Trung Quốc là 65% và Ấn Độ là 60%.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ The Straits Times, ANN & Blackbox)