Nghề báo - nghề nguy hiểm
Ngày nay, tốc độ chiến tranh và xung đột đang ngày càng nhanh, tin tức lan truyền nhanh hơn, và đôi khi, thương tích và tử vong cũng nhanh hơn. Theo ông Lee Woodyear, cựu nhân viên về nhân quyền của Liên đoàn Báo chí Quốc tế và là một nhà báo tự do, để có thể đưa tin được như ngày nay, các nhà báo phải đối mặt với các mối nguy hiểm lớn hơn bao giờ hết.
Một nữ phóng viên tác nghiệp tại hiện trường đổ nát. Ảnh: Medium
Nhà báo Woodyear cho rằng, trong cuộc chiến giành lấy "trái tim và tâm trí" của công chúng, các phương tiện truyền thông, và các "chiến binh mặt đất" - các phóng viên đưa tin, đang gặp rất nhiều rủi ro để truyền tải những thông tin mang tính thời sự và kịp thời. Vậy nhưng, cái giá phải trả là gì? Là nhiều phóng viên bị tổn thương về thể chất hoặc tâm lý, hoặc cả hai. Thậm chí, một số khác đã phải bỏ mạng.
Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), có 1.121 nhà báo đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 1992-2015, trong đó, CPJ xác nhận có 19 nhà báo bị sát hại có chủ đích chỉ trong riêng năm 2015. Dữ liệu cho thấy, số lượng các phóng viên thiệt mạng tăng lên mức cao nhất trong những năm gần đây, nhất là trong chiến tranh Iraq và cuộc xung đột Syria đang diễn ra.
"Trước đây, khi các phóng viên chiến trường mặc chiếc áo với dòng chữ PRESS (nhà báo) hoặc gắn biển MEDIA (báo chí) trên xe, nó cho họ một sự bảo vệ bởi vì các phóng viên được coi là những thường dân độc lập, kể câu chuyện về các cuộc xung đột", tuy nhiên giờ đây, dòng chữ PRESS thậm chí còn biến các nhà báo trở thành mục tiêu, khi các nhóm cực đoan tham chiến không cần các tổ chức truyền thông đưa tin, tờ Huffitongpost dẫn lời ông Gary Pruitt - Chủ tịch kiêm CEO của hãng tin AP, cho hay. Mặc dù vậy, phần còn lại của thế giới vẫn cần được nghe thông tin từ các vùng xung đột, và chúng ta cần các nhà báo để biết được sự thật, những câu chuyện thật và một cái nhìn không thiên vị về những gì đang xảy ra ở cả hai bên chiến tuyến.
Hệ thống mới, rủi ro mới
Trên thực tế, các nhà báo có một số luật bảo vệ quốc tế. Theo Công ước Geneva, các nhà báo được đối xử như dân thường trong thời điểm xung đột; làm hại hoặc giết họ là một tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, một số nhà báo cho rằng, một số cuộc chiến và chiến tranh kiểu mới có thể làm mờ đi làn ranh biên giới giữa dân thường và chiến binh tham chiến, khiến tính mạng của các phóng viên không còn được đảm bảo.
Mặc khác, kinh tế cũng đang tác động đến sự an toàn các của nhà báo. Một số tổ chức truyền thông, trong một nỗ lực để tiết kiệm chi phí, đã sử dụng các phóng viên tự do, với những quyền lợi hạn chế hơn nhiều so với với nhân viên chính thức. Thông thường, những người này thường nhỏ tuổi hơn và ít kinh nghiệm hơn so với các nhà báo lão luyện. Họ muốn có cơ hội thể hiện để có thể làm nên tên tuổi - nhưng đôi khi điều này có thể phải trả giá rất đắt.
Huấn luyện để sống sót
Vào cuối những năm 1980, câu hỏi về sự an toàn của các nhà báo đi đầu trong các phong trào công đoàn. Một chương trình hành động trên toàn thế giới đã được Hiệp hội các nhà báo quốc tế (IFJ) đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro mà các nhà báo phải đối mặt khi bị bao vây trong các cuộc xung đột vũ trang.
Ngày nay, nhiều hiệp hội thành viên IFJ, hợp tác với các công ty truyền thông và các cơ quan quân đội, cũng đề ra các chương trình đào tạo chuẩn bị hành trang cho các thành viên ngành báo. IFJ và các thành viên cũng ủng hộ mạnh mẽ lợi ích bình đẳng cho các phóng viên tự do, để từ đó, công chúng tiếp tục có được những thông tin chính xác và kịp thời ngay cả ở những “điểm nóng” nguy hiểm.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Huffitongpost, ILO & Elitedaily)