Nhà thờ Đức Bà bị phá hủy ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu. Ảnh: Artnet News
Chứng kiến đỉnh tháp bị bao trùm và sụp đổ trong biển lửa, không chỉ riêng người dân Paris, mà cả các chính trị gia và chuyên gia khi nói đến nhận định của mình đều bắt đầu với cụm “không thể diễn tả thành lời”.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, những bản tin bày tỏ sự ngỡ ngàng và thương tiếc khẳng định rằng việc nhà thờ Đức Bà bị phá hủy đã ảnh hưởng rất sâu rộng, vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ của Paris hay Pháp.
Vậy điều gì khiến nhà thờ Đức Bà đóng một vị trí quan trọng như vậy?
Tòa nhà mang tính biểu tượng
Theo nhận định của giáo sư Jane M Jacobs thuộc Đại học Yale - NUS, nhiều bài báo đã gọi nhà thờ Đức Bà là một “biểu tượng”, một “dấu mốc” và ví đây là một công trình nói lên tất cả.
Từ khi bắt đầu quá trình xây dựng kéo dài hơn 1 thế kỷ vào năm 1160, nhà thờ Đức Bà đã thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia thiết kế và tạo hình thủ công để biến nhà thờ thành một trong những ví dụ điển hình của kiến trúc thánh đường Gothic trên thế giới.
Theo thời gian, phong cách Gothic nhìn thấy ở nhà thờ Đức Bà là cảm hứng cho rất nhiều công trình, tại nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Cụ thể, nhiều thành phố ở châu Á, nhất là những khu vực có quá khứ là thuộc địa của châu Âu đều dễ dàng bắt gặp các tòa nhà mang dáng dấp phong cách kiến trúc Gothic của nhà thờ Đức Bà.
Với hành trình dài trước thời gian, nhà thờ Đức Bà đã chứng kiến và trải qua rất nhiều giai đoạn. Giữa thế kỷ 16 và thời gian diễn ra Cách mạng Pháp, nhà thờ Đức Bà được bảo vệ rất kém và thường xuyên bị tấn công, phá hủy. Đến năm 1841, nhận thấy tầm quan trọng của công trình, một ủy ban đã được thành lập để giám sát chặt chẽ quá trình tu sửa nhà thờ. Nhiều tác giả, trong đó phải kể đến Victor Hugo với tác phẩm lừng danh viết năm 1831 “The Hunchback of Notre-Dame” (Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng về việc phải phục dựng nhà thờ.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà thờ Đức Bà luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người dân toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ nhất khi mỗi năm, ước tính có khoảng 13 triệu du khách đã chọn tham quan nhà thờ, chính thức biến nhà thờ thành điểm đến yêu thích nhất tại Paris, vượt qua cả tháp Eiffel.
Chung tay phục dựng công trình quý giá
Các chuyên gia cho biết, nhờ vào sự hỗ trợ của một nhóm nghệ nhân chuyên về kỹ thuật chạm khắc đã và gỗ truyền thống, mục tiêu khôi phục nhà thờ Đức Bà trong 5 năm đầy tham vọng của Pháp có thể nằm trong tầm tay.
Được biết, trong nhiều thập kỷ, chính phủ Pháp luôn sẵn sàng chi rất mạnh tay để bảo vệ và duy trì kho tàng văn hóa của mình.
Trong một ý kiến có liên quan, với tình cảm của người dân toàn cầu luôn hướng về nhà thờ Đức Bà, giáo sư Jane M Jacobs nhấn mạnh, hãy hi vọng rằng niềm tiếc thương và tinh thần đoàn kết, sự đóng góp hào phóng sẽ giúp chúng ta khôi phục lại công trình kiến trúc nhà thờ Đức Bà.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ CNA & Jakarta Post)