Thủ tướng Nhật Bản Shino Abe sẽ công bố việc tăng thuế tiêu dùng trong cuộc họp nội các ngày 15/9. Ảnh: FTM
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất trong số các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, việc kiềm chế lãi suất trong nước ở mức thấp cho phép Nhật Bản tránh được khủng hoảng tiền mặt như ở Hy Lạp.
Các nhà phê bình nói rằng việc tăng thuế từ 8% lên mức 10% là bước đi rất quan trọng để tài trợ cho chi tiêu trong lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là chi phí y tế, trong một xã hội đang lão hóa nhanh chóng như Nhật Bản.
Theo tin từ Jiji Press, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông báo việc tăng thuế tiêu dùng trong cuộc họp nội các vào hôm nay. Việc tăng thuế - ban đầu dự kiến sẽ tiến hành vào tháng 10/2015 – đã bị đẩy trì hoãn 2 lần do lo ngại nó có thể làm tổn thương nền kinh tế mong manh của Nhật Bản.
Lần tăng thuế gần đây nhất của Tokyo vào tháng Tư năm 2014 được cho là nguyên nhân đẩy Nhật Bản rơi vào một cuộc suy thoái ngắn.
Hiện tại, Thủ tướng Abe tự tin rằng với các khoản trợ cấp mới của chính phủ được đưa ra cùng lúc, ông có thể tránh cho chi tiêu tiêu dùng của quốc gia giảm mạnh trong nền kinh tế sau cuộc suy thoái năm 2014, các báo cáo cho biết.
Mới đây, Thủ tướng Abe nói rằng cải cách hệ thống an sinh xã hội của đất nước, bao gồm lương hưu và bảo hiểm y tế quốc gia, trong số nhiều hạng mục khác, là "thách thức lớn nhất" trước mắt và cam kết sẽ giải quyết vấn đề này.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo hồi đầu tháng này rằng, những thách thức của nước này sẽ "gia tăng khi dân số Nhật Bản tiếp tục già đi và thu nhỏ", lưu ý là cả quy mô của nền kinh tế và dân số nước này đều đang trên đà giảm 1/4 trong 40 năm tới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc mất niềm tin vào khả năng thanh toán các khoản nợ của Tokyo có thể khiến lãi suất tăng vọt và làm tăng nguy cơ phá sản.
BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)