Cuộc họp của nhiều nhà lãnh đạo các nước và các công ty công nghệ hàng đầu nhằm phát động "Lời kêu gọi Christchurch" ở Paris ngày 15/5/2019. Ảnh: Reuters
Theo tin từ AFP, các giám đốc điều hành từ Google, Twitter, Facebook và Microsoft đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Pháp, New Zealand và các quốc gia khác ở Paris để phát động "Lời kêu gọi Christchurch" về các cam kết tự nguyện cho các nền tảng trực tuyến.
Chiến dịch được đặt theo tên của thành phố ở New Zealand, nơi một tay súng đã giết chết 51 người tại hai nhà thờ Hồi giáo cách đây 2 tháng trong khi phát trực tiếp vụ thảm sát của mình trên Facebook thông qua một camera gắn trên đầu. Gã khổng lồ mạng xã hội này theo đó đã phải đối mặt với những chỉ trích từ vụ việc, sau khi đoạn phim kinh hoàng được đăng tải và chia sẻ hàng triệu lần bất chấp những nỗ lực để loại bỏ nó.
"Lời kêu gọi là một lộ trình hành động", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. "Chúng tôi cam kết tất cả chúng ta sẽ xây dựng một mạng internet nhân đạo hơn, không thể bị những kẻ khủng bố lạm dụng cho mục đích kinh hoàng của chúng", bà nhấn mạnh.
Google, Microsoft, Facebook, Twitter và Amazon sau đó đã vạch ra một kế hoạch gồm 9 điểm để cùng nhau đưa các cam kết đi vào hoạt động, nhất là để giải quyết các mối đe dọa gây ra bằng cách phát trực tiếp (livestream), bằng cách cam kết sẽ đầu tư vào "dấu vân tay kỹ thuật số" để theo dõi và xóa các hình ảnh và video có hại, đồng thời áp dụng các phương pháp dễ sử dụng để người dùng báo cáo những nội dung bất hợp pháp.
Một ngày trước đó, Facebook cam kết sẽ thắt chặt quyền truy cập vào Facebook Live, nhất là từ chối dịch vụ này cho những người dùng đã chia sẻ các nội dung cực đoan.
Sáng kiến "Lời kêu gọi Christchurch" chủ yếu mang tính biểu tượng, nhằm duy trì áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội, vốn phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các chính trị gia trên khắp thế giới để ngăn chặn các nền tảng của họ trở thành phương tiện phát sóng bạo lực cực đoan. Các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Ireland, Senegal, Indonesia và Na Uy đã tới Paris như một phần của những người đầu tiên ủng hộ kế hoạch.
Các công ty công nghệ nói trên cho biết sẽ hợp tác tìm kiếm các công cụ mới để xác định và nhanh chóng xóa bỏ các nội dung cực đoan, chẳng hạn như chia sẻ cơ sở dữ liệu của các bài đăng hoặc hình ảnh bạo lực để đảm bảo chúng không lan truyền trên nhiều nền tảng. Các công ty này cũng tiết lộ sẽ nghiên cứu việc chỉnh sửa các thuật toán của mình để ngăn chặn nội dung bạo lực hoặc bị nhiễm virus, đồng thời giúp người dùng dễ dàng báo cáo các bài đăng có hại, nhưng sẽ tùy thuộc vào mỗi công ty để phát triển các công cụ hoặc chính sách cụ thể.
Nhiều quốc gia hiện cũng đã thắt chặt các điều luật để đưa ra các hình phạt đối với các công ty không gỡ bỏ những nội dung phản cảm một khi nó bị "gắn cờ" bởi người dùng hoặc chính quyền sở tại.
Được biết, cuộc họp phát động "Lời kêu gọi Christchurch" diễn ra song song với một sáng kiến do Tổng thống Pháp Macron khởi xướng có tên "Tech for Good", tập hợp 80 giám đốc điều hành công nghệ để thảo luận về cách khai thác công nghệ vì lợi ích chung.
Bảo Nghi (Lược dịch từ AFP & CNA)