ClockThứ Hai, 26/09/2016 09:19

Nước Mỹ “nóng” trước cuộc so găng đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống

Nước Mỹ hôm nay 26/9 dường như đang “nín thở” để chờ đợi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên sóng truyền hình giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, hai ứng viên tổng thống đang bám đuổi sít sao về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Bầu cử Mỹ: Bà Clinton dẫn trước ông Trump ở các bang còn do dựBà Clinton vượt lên đối thủ đảng Cộng hòa Donald TrumpBầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa khai mạc Đại hội toàn quốc

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào tối ngày 26/9 (Ảnh: Getty)
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào tối ngày 26/9 (Ảnh: Getty)

Theo AFP, cơ hội đặt ra cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ của bà bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump là ngang nhau khi cả hai chuẩn bị bước vào cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên của mùa bầu cử tổng thống tại Mỹ năm nay. Cuộc “so găng” mở màn giữa hai ứng viên tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 21 giờ tối ngày 26/9 tại Đại học Hofstra ở ngoại ô New York và được dự đoán sẽ thu hút lượng người xem kỷ lục.

Trước thềm cuộc tranh luận, không chỉ chiến dịch tranh cử của mỗi ứng viên mà các nhà phân tích và chuyên gia chính trị cũng đều đưa ra những nhận định của riêng mình để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump hoặc bà Clinton. Trong khi các trợ lý của cựu Ngoại trưởng Mỹ tìm cách “hạ bệ” ông Trump, một doanh nhân và ngôi sao truyền hình thực tế, là thiếu kinh nghiệm và tố chất để trở thành tổng thống, thì những cộng sự thân tín của tỷ phú New York cũng tìm cách “gieo rắc” vào suy nghĩ của các cử tri Mỹ về sự thiếu trung thực của bà Clinton.

“Chúng ta sẽ có rất nhiều người dành sự quan tâm tới cuộc bầu cử này. Họ mong muốn theo dõi hai ứng viên trên sân khấu”, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, Robb Mook, nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC hôm qua 25/9. “Tôi nghĩ họ sẽ nhận ra rằng Donald Trump là ứng viên không phù hợp, một người khó hiểu và chưa sẵn sàng để trở thành tổng thống”. Robb Mook cho biết bà Clinton có thể sẽ thử thách ông Trump trong cuộc tranh luận bằng việc đề nghị tỷ phú New York trình bày những chính sách của ông nếu đắc cử.

“Donald Trump chỉ quan tâm tới mình ông ấy thôi. Còn Hillary Clinton sẽ nói cho mọi người biết bà ấy mong muốn làm điều gì cho họ”, John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ chia sẻ với kênh NBC trong chương trình “Meet the Press” hôm qua.

Trong khi đó, Kellyanne Conway, quản lý chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump, cũng lên tiếng công kích về sự trung thực của bà Clinton trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Bạn biết đấy, nếu bạn chạy đua với Hillary Clinton, tính trung thực luôn là vấn đề được đặt ra. Người dân Mỹ đã quá quen với điều đó. Tôi dám chắc là chúng ta sẽ nhìn ra những điều này trong cuộc tranh luận vào tối mai”, bà Conway nói hôm 25/9.

Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus cho biết ông Trump đã sẵn sàng. “Ông ấy là người ngoại đạo, ông ấy chưa từng ra tranh cử trước đây, chứ chưa nói tới việc từng tham gia vào một cuộc tranh luận trên cương vị ứng viên tổng thống. Nhưng ông ấy đã sẵn sàng”.

Để chuẩn bị cho cuộc “ra mắt” ấn tượng trước đối thủ, cựu Ngoại trưởng Clinton đã tổ chức các buổi tranh luận thử, trong đó trợ lý lâu năm của bà là Philippe Reines sẽ đóng vai ông Trump và ngồi tranh luận cùng bà. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của tỷ phú New York cho biết, ông Trump cũng đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt vào tối nay nhưng không tổ chức tranh luận thử như bà Clinton.

Theo nhiều nhà phân tích, cuộc “đối đầu” giữa bà Clinton và ông Trump vào tối 26/9 có thể là cuộc tranh luận được nhiều người quan tâm nhất trong lịch sử chính trị Mỹ với khoảng 90 triệu người ước tính sẽ bật tivi và theo dõi sự kiện này. Giới chuyên môn nhận định các cuộc tranh luận trực tiếp chưa chắc đã giúp một ứng viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra sau đó, nhưng rất dễ khiến họ thua cuộc vì chỉ cần một câu sảy miệng, hay một chút sơ suất nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ

Sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/11 đã có phiên tăng điểm vô cùng mạnh mẽ. Thông tin trên cũng đã ngay lập tức có những tác động đáng kể tới tỉ giá đồng USD cũng như các mặt hàng khác như dầu và vàng.

Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ
Bầu cử Mỹ 2024 qua những con số

Ngày 5/11, bầu cử Mỹ chính thức diễn ra, trong đó cử tri sẽ bầu cho 2 ứng cử viên, gồm ứng cử viên Đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa là Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc cạnh tranh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Mỹ nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung.

Bầu cử Mỹ 2024 qua những con số
Return to top