Các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ phải từ chối chuyên chở hành khách đến từ các nước nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Các chính trị gia và giới kinh doanh hàng đầu thế giới đã lên tiếng chỉ trích lệnh tạm thời cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ Syria, Iraq, Iran Sudan, Libya, Somalia và Yemen trong ít nhất 90 ngày. Lệnh cấm này còn được áp dụng đối với cả các những người có thẻ xanh là thẻ cư trú vĩnh viễn.
Vào ngày 27/1, tân Tổng thống Mỹ đã kí lệnh cấm tạm thời này với những lý do để bảo vệ người Mỹ trước các cuộc tấn công khủng bố và chính quyền của ông cần thời gian để xây dựng các quy trình rà soát người nhập cảnh một cách nghiêm ngặt hơn.
Tại châu Âu, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kịch liệt lên án lệnh này. Trong cuộc họp báo với người đồng cấp người Pháp, Jean-Marc Ayrault tại Paris, ông Gabriel phát biểu rằng chính sách di trú của tân Tổng thống Mỹ Trump đi ngược lại với truyền thống "yêu cận nhân như chính mình” của người Cơ đốc giáo.
Ngoại trưởng Pháp Ayraut cho biết chính sách của ông Trump "chỉ có thể khiến chúng ta quan ngại " và "việc tiếp nhận người tị nạn chiến tranh và bị ngược đãi là một phần trong bổn phận của chúng ta”.
Thủ tướng Anh Theresa May từ chối bình luận về chính sách di trú của Mỹ. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim tại Ankara được hỏi về lập trường của bà đối với sắc lệnh mới của Tổng thống Trump, bà May cho hay: "Nước Mỹ có trách nhiệm về chính sách di trú của Mỹ. Nước Anh chịu trách nhiệm về chính sách di trú của Anh."
Tại Trung Đông, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu, người đã so sánh lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ tương tự như quyết định xây dựng bờ tưởng ở biên giới phía Nam của Israel. Trên mạng Twitter, ông Netanyahu đã viết: "Tổng thống Trump đã làm đúng. Tôi cho xây dựng tường dọc biên giới phía Nam Israel. Cách làm này đã ngăn chặn hoàn toàn hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Thành công lớn. Ý tưởng tuyệt vời."
Tại Mỹ, các đảng viên Đảng Dân chủ đã gọi những biện pháp này "không theo phong cách Mỹ". Vào cuối ngày 27/1, ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ, đã viết trên mạng Twitter: "Lệ tuôn rơi trên má của tượng Nữ thần Tự do tối nay vì truyền thống cao cả của nước Mỹ là chào đón người nhập cư vốn đã tồn tại kể từ khi nước Mỹ ra đời đã bị chà đạp."
|
Tượng Nữ thần Tự do - biểu tượng về dân chủ và ước mơ tự do, niềm tự hào của nước Mỹ |
Hội đồng Mỹ- Hồi giáo tuyên bố sẽ không thừa nhận tính chất lập hiến của mệnh lệnh hành pháp này.
Bà Lena F. Masri, Giám đốc phụ trách về vấn đề tranh chấp quốc gia của Hội đồng này, phát biểu: "Không có bằng cớ nào cho thấy người tị nạn là mối đe doạ cho an ninh quốc gia. Đây là một mệnh lệnh được đưa ra trên cơ sở mù quáng hơn là thực tế”.
Iran, một trong những nước có công dân sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ thề sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa như cấm công dân Mỹ đến nước này. Trong một tuyên bố được truyền tải trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ Ngoại giao Iran đã gọi chỉ thị mới của ông Trump là "công khai đối đầu chống thế giới Hồi giáo nói chung và Iran nói riêng."
Truyền thông đưa tin Asghar Farhadi, đạo diễn kỳ cựu người Iran trong bộ phim "The Salesman”, người được đề cử cho hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" tham dự liên hoan phim Oscar năm nay, sẽ không thể đến tham dự lễ trao giải sẽ diễn ra tại Hollywood trong khoảng một tháng tới vì lệnh cấm này.
Taraneh Alidoosti, minh tinh màn bạc và là nữ diễn viên nổi tiếng nhất Iran thề sẽ tầy chay phần thưởng được trao trước khi mệnh lệnh của ông Trump có hiệu lực.
Google, gã khổng lồ về Internet của Mỹ, đã yêu cầu nhân viên của mình có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này quay trở lại Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, CEO Facebook, Mark Zuckerberg, bày tỏ mối quan ngại về lệnh cấm nhập cư mới vào Mỹ.
Mark chia sẻ: "Chúng ta cần bảo vệ sự an toàn của đất nước, song chúng ta cần thực hiện điều đó bằng cách chú trọng đến những cá nhân thực sự là mối đe dọa. Chúng ta cũng cần mở rộng cách cửa cho người tị nạn và những người cần sự giúp đỡ. Bởi đó là bổn phận của chúng ta."
Theo một công trình nghiên cứu của Viện Cato của Mỹ, người nước ngoài đến từ 7 nước nằm trong danh sách cấm nhập cư vào Mỹ không giết bất cứ người Mỹ nào trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ trong giai đoạn từ năm 1975 đến cuối năm 2015./.
Theo VOV