Ngày 4/11/2016 đánh dấu một sự kiện lịch sử: Thỏa thuận COP21-Paris bắt đầu có hiệu lực khi được 97 quốc gia thành viên, chiếm trên 69% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, phê chuẩn.
|
Ngày 4/11/2016, thỏa thuận COP21-Paris bắt đầu có hiệu lực khi được 97 quốc gia thành viên phê chuẩn. (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Pháp Francois Hollande phấn khởi tuyên bố: "Đây là biểu hiện của việc cộng đồng quốc tế đã áp dụng triệt để biện pháp cấp bách bảo vệ khí hậu và là kết quả của sự vận động của Pháp với tư cách Chủ tịch COP21".
Vậy là trước khi chuyển giao vai trò Chủ tịch cho Morocco tại Hội nghị COP22 ở Marrakesh từ 7-18/11/2016, Pháp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.
Vượt trở ngại đi tới Thỏa thuận
Còn nhớ cách đây ngót một năm, chiều 12/12/2015 tại Hội nghị COP21 tại Bourget (Paris), mọi người thật xúc động khi chứng kiến cảnh Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius run run gõ búa, báo hiệu sự kết thúc thành công việc biểu quyết của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hịep Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) thông qua Thỏa thuận mới chống biến đổi khí hậu (Thỏa thuận COP21-Paris) thay thế Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn.
Ở thời điểm ấy, tiếng búa của Ngoại trưởng Laurent Fabius là sự giải tỏa một áp lực vô cùng lớn do những khó khăn trước khi đi tới thỏa thuận.
Với tư cách là Chủ tịch COP21, Pháp đặt mục tiêu thông qua một thỏa thuận mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto, đã từng gặp nhiều khó khăn trong các hội nghị COP trước đó chủ yếu do vấn đề chia sẻ trách nhiệm giữa các nước giầu, nghèo trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.
Ngay từ đầu năm 2015, Pháp đã mở chiến dịch vận động lớn, bắt đầu bằng việc Tổng thống F. Hollande tới thăm Philippines, một điển hình của các nước đang phát triển chịu nhiều thiên tai do biến đổi khí hậu.
Tiếp đó là những chuyến đi con thoi của Ngoại trưởng Laurent Fabius, của Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal tới châu Á, châu Phi, gặp gỡ trao đổi với nguyên thủ các nước chủ chốt trong vấn đề khí thải...
|
Ông Laurent Fabius (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị COP21. (Ảnh: IISD-ENB) |
Cuộc vận động được tiến hành cho đến sát thềm Hội nghị COP21 và đã đạt kết quả khả quan khi thuyết phục được Trung Quốc và Mỹ, hai nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, vốn có thái độ tiêu cực, và nhiều nước thành viên CCNUCC đưa ra cam kết.
Ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố một kế hoạch lớn mang tên "Clean Power" từ nay đến năm 2030 giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%.
Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 6/2015 và chuyến thăm Trung Quốc ngày 2-3/11 của Tổng thống F. Hollande, Trung Quốc đã đưa ra hứa hẹn giảm 20%-25% năng lượng hóa thạch, giảm bớt 60%-65% nồng độ khí thải CO2 vào nội dung đóng góp cho COP21 và cam kết ủng hộ về nguyên tắc “một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý” tại hội nghị này.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Paris, để đi tới thỏa thuận cuối cùng, nhiều khó khăn mang tính kỹ thuật do những bất đồng câu chữ trong văn bản đã nảy sinh, có lúc tưởng như không vượt qua. Hội nghị đã phải gia hạn thêm 2 ngày để bàn bạc, thống nhất và cuối cùng đã thông qua Thỏa thuận COP21-Paris.
Thỏa thuận ấy càng thêm ý nghĩa khi ra đời trong hoàn cảnh nước chủ nhà Pháp vừa trải qua các cuộc khủng bố đẫm máu đêm 13/11 ngay tại Paris.
Thúc đẩy ký và phê chuẩn Thỏa thuận
Sau khi đạt Thỏa thuận COP21-Paris, Pháp tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy việc ký và phê chuẩn, đưa Thỏa thuận đến hiệu lực.
|
Morocco đã sẵn sàng cho Hội nghị COP22. (Ảnh: AFP) |
Ngày 22/4/2016, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký Thỏa thuận COP21-Paris. Đây là sự khẳng định của các quốc gia thành viên CCNUCC với thỏa thuận tại Hội nghị COP21 Paris tháng 12/2015, tạo cơ sở pháp lý để thỏa thuận này chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo quy định, để có hiệu lực, Thỏa thuận COP21-Paris cần được 55 quốc gia thành viên CCNUCC, chiếm tổng số trên 55% lượng khí thải CO2 trên thế giới phê chuẩn. Đây là mục tiêu khó khăn, ngay với bản thân Pháp và Liên minh châu Âu (EU), người đi tiên phong. Với EU, việc đạt được sự phê chuẩn của 28 thành viên đã diễn ra khá khó khăn, chậm chạp và kéo dài cho tới gần đây.
Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 9/2016, Trung Quốc và Mỹ, 2 nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới, với tỷ lệ Trung Quốc: 20,09%; Mỹ: 17,89%, tuyên bố phê chuẩn Thỏa thuận COP21. Đây là một sự kiện bất ngờ, mang ý nghĩa lớn thúc đẩy tiến trình phê chuẩn của các nước, sớm đưa Thỏa thuận COP21 có hiệu lực.
Và tới 4/11 vừa qua, mục tiêu tưởng như xa vời ấy đã trở thành hiện thực.
Hội nghị COP22 tại Morocco sẽ là hội nghị đầu tiên bàn bạc, triển khai nội dung của Thỏa thuận COP21-Paris, cùng chung tay bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất./.
Theo VOV