Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Quá trình chuyển đổi và phát triển này được bảo vệ và đấu tranh bởi một lớp dân số trẻ hiểu biết sâu rộng về công nghệ thông tin đang tăng lên nhanh chóng. Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN – một thuật ngữ chỉ chung cho tất cả các giao dịch được thực hiện trực tuyến sẽ chứng kiến đà phát triển ngày càng lớn mạnh, dự kiến sẽ mở rộng gấp 6,4 lần từ mức 31 tỷ USD vào năm 2015 lên thành 197 tỷ USD vào năm 2025, kết quả chỉ ra bởi Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho hay.
Phát triển kinh tế ASEAN theo hướng kỹ thuật số là phát triển bền vững. Ảnh: THE ASEAN POST
Theo Boutheina Guermazi, Giám đốc về Phát triển số của Ngân hàng thế giới, trong khi tiến trình mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số tại khu vực ASEAN đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế này vẫn chưa được triển khai toàn diện.
Lấy ví dụ về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Các doanh nghiệp loại này chiếm ít nhất 95% trong tổng số tất cả các cơ sở kinh doanh, tạo ra hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực ASEAN. Mặc dù sự xuất hiện và phổ biến khá dày đặc, song ERIA ước tính MSMEs chỉ đóng góp từ 30% - 53% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN. Từ nghiên cứu của các chuyên gia thuộc công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co, nguyên nhân tìm thấy là chỉ có khoảng 16% các MSME của ASEAN sử dụng và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để phát huy hết khả năng của mình. Do đó, thu hẹp khoảng cách này sẽ hỗ trợ tốt cho việc cải thiện nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.
Cũng theo Giám đốc Boutheina Guermazi, mặc dù đa phần người dân ASEAN đã quen với việc sử dụng khá nhiều dịch vụ kỹ thuật số, song áp dụng kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh lại diễn ra khá chậm đối với doanh nghiệp và chính phủ các nước. Nhiều nút thắt về quy định và niềm tin vào các giao dịch điện tử còn thiếu đã và đang kìm hãm sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số.
Tăng cường kết nối, kỹ năng và thanh toán kỹ thuật số
Với tiêu đề “Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á – tăng cường củng cố nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai”, báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra hồi đầu tháng này đã xác định 6 vấn đề cần cải tiến chính đối với nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN. Trong đó, mở rộng sử dụng là hạng mục đầu tiên của tiến trình. Mặc dù một nửa dân số trong khu vực có sử dụng internet – ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, con số này vẫn có thể tiếp tăng lên hơn nữa nhờ vào các chính sách và hành động như hạ giá gói cước internet, tăng tốc độ sử dụng và phổ biến mạng lưới internet băng thông rộng đáng tin cậy đến vùng sâu, vùng xa.
Kỹ thuật số tạo nên nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ASEAN. Ảnh: WORLD ECONOMIC FORUM
Là một trong số những nỗ lực cần triển khai, tăng cường kỹ năng kỹ thuật số cho 650 triệu dân ASEAN sẽ đảm bảo rằng các cơ hội và lợi ích sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người. Mở rộng sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cũng là ưu tiên đáng lưu ý để phát triển lộ trình chung. Bên cạnh phát triển hạ tầng quy định phù hợp, chính phủ các nước cũng có thể sử dụng hình thức thanh toán kỹ thuật số như một cách tương tác với người dân.
Xây dựng chính sách thúc đẩy niềm tin vào kinh tế kỹ thuật số
Thúc đẩy niềm tin thông qua chính sách phù hợp cho các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng sẽ góp phần tăng cường sự tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh chưa đến một nửa số quốc gia thành viên ASEAN có luật bảo vệ dữ liệu toàn diện, cũng như khả năng quản lý của chính quyền trong vấn đề này cũng còn thấp.
Cuối cùng, chính phủ cần cung cấp các nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ doanh nghiệp thuận tiện hơn khi áp dụng kỹ thuật số vào hoạt động. Mặc dù nhiều văn kiện như Kế hoạch chi tiết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025 và Hiệp định khung e-ASEAN sẽ góp phần hỗ trợ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, song hoạch định nên một chính sách tốt sẽ đảm bảo Đông Nam Á định vị tốt hơn, từ đó mở khóa tiềm năng nền kinh tế kỹ thuật số khu vực một cách toàn diện và hiệu quả.
ĐAN LÊ
(Lược dịch từ The ASEAN Post)