Với những chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các đồng minh trước và ngay trong ngày họp đầu tiên, khiến dư luận lo ngại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra 2 năm 1 lần này sẽ không đạt được tuyên bố chung. Tuy nhiên, với tuyên bố khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ với NATO sau Hội nghị, cho thấy các nước đã vượt qua được mối bất hòa gay gắt trong các vấn đề quan trọng như chia sẻ gánh nặng và tăng chi tiêu quốc phòng.
|
Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc ngày 13/7 sau hai ngày họp tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty |
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra đúng như lo ngại của dư luận trước đó về các cuộc đối thoại căng thẳng và chia rẽ giữa các nước thành viên. Ngay ngày họp đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào các nước đồng minh, trong đó có quốc gia đầu tàu châu Âu là Đức.
Tổng thống Mỹ luôn yêu cầu một sự nỗ lực hơn nữa từ phía các đồng minh, cũng như đòi hỏi họ tôn trọng cam kết đưa ra năm 2014 là dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Việc 15 nước thành viên trong đó có Đức, Canada, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha dành dưới 1,4% chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2018, có nghĩa nhiều khả năng họ khó đạt mức 2% vào năm 2024 theo như cam kết, đã gây bất bình cho Tổng thống Mỹ.
Sự phản pháo của Đức cùng một số nước thành viên châu Âu trước những chỉ trích của Mỹ đã phủ bóng đen lên ngày họp đầu tiên, khiến dư luận bắt đầu lo ngại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra lần đầu tiên tại trụ sở mới của NATO sẽ thất bại trong sự chia rẽ khi không đưa ra 1 tuyên bố chung nào, thậm chí có nguy cơ Mỹ có thể rút khỏi NATO.
Tuy vậy, kết thúc 2 ngày họp, cùng cam kết mạnh mẽ với NATO, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có những tuyên bố khá dịu giọng, khi đánh giá cao những tiến bộ lớn của các nước thành viên NATO dành cho chi tiêu quốc phòng thời gian qua.
Ông Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ các nước đã có một tinh thần đoàn kết tốt tại cuộc họp mà chúng ta khó có được trong thời gian qua. Cam kết của Mỹ với NATO vẫn rất vững mạnh. Điều này có được nhờ vào tinh thần các nước đưa ra trong cuộc họp, với những thông báo về các chi tiêu dành cho quốc phòng mà các nước sẵn sàng thực hiện trong thời gian tới”.
Thực tế, mặc dù chưa đạt được như kì vọng của Mỹ, nhưng các nước thành viên NATO thời gian qua đã nỗ lực hướng tới mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Chưa có lộ trình cam kết cụ thể, nhưng các nước NATO đã thừa nhận rằng, chi tiêu quốc phòng trở thành thước đo đối với nghĩa vụ an ninh tập thể của các nước thành viên.
Tại hội nghị lần này, ít nhất Tổng thống Mỹ đã nhận được cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng, theo đó 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP "trong vài năm tới".
Phát biểu sau cuộc họp, Đức - quốc gia bị Mỹ chỉ trích mạnh mẽ tại Hội nghị, cũng thừa nhận cần phải làm nhiều hơn nữa. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Nước Đức hiểu rõ rằng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa và chúng tôi đã thực hiện điều này trong thời gian qua. Sự thay đổi đã bắt đầu. Chúng ta đang làm điều này vì chính những binh lính Đức và cả vì liên minh quân sự trong việc đối mặt với các thách thức an ninh đang thay đổi”.
Bên cạnh vấn đề chi tiêu quốc phòng, Tuyên bố chung của hội nghị cũng nhất trí một số vấn đề quan trọng khác như mở rộng hỗ trợ tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2024, ủng hộ nỗ lực thúc đẩy hòa bình Ukraine do Bộ tứ Normandy dẫn dắt, "mở cửa" cho Macedonia khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên…
Như vậy, nỗi lo về một hội nghị đổ vỡ ngay tại lần họp lần đầu tiên tại trụ sở mới của NATO không diễn ra, mặc dù Tổng thống Donald Trump tiếp tục đặt ra một mục tiêu khó thực hiện hơn khi đề xuất các nước thành viên NATO phải tiến tới dành 4% GDP cho quốc phòng.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, các nước thành viên NATO đã thống nhất được các vấn đề mấu chốt là tăng cường sự thích ứng của tổ chức, chống khủng bố và chia sẻ tài chính cân bằng hơn. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, NATO đã "mạnh hơn" sau hội nghị thượng đỉnh căng thẳng và các cuộc thảo luận diễn ra "có chừng mực và trên tinh thần tôn trọng".
Những tuyên bố khá “dịu giọng” của Tổng thống Donald Trump sau hội nghị một lần nữa cũng cho thấy, Mỹ không muốn đẩy căng thẳng tới mức có thể xóa sạch mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO - những quốc gia vẫn đang sát cánh cùng Mỹ trong các cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan, cũng như cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh toàn cầu.
Ngoài ra, với tuyên bố hòa giải của Tổng thống Donald Trump cũng có thể làm yên lòng các đồng minh NATO, đặc biệt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, khi nhiều nhà ngoại giao phương Tây lo ngại Mỹ có thể đưa ra các quyết định như chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung NATO, dỡ bỏ trừng phạt Nga, hay thậm chí giảm đóng góp của Mỹ với NATO để cải thiện mối quan hệ với Nga./.
Theo VOV