|
Phụ nữ Congo được tiêm chủng trong một chiến dịch chủng ngừa khẩn cấp bệnh sốt vàng da ở huyện Kisenso, thủ đô Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Reuters
|
Được biết, trung gian truyền bệnh sốt vàng là loài muỗi Aedes aegypti, cũng là loài muỗi mang virus Zika. Các triệu chứng của bệnh sốt vàng da có thể tương đối nhẹ như sốt hoặc vàng da, nhưng cũng có thể nặng như bệnh về gan và xuất huyết.
Hiện có một loại vắc-xin giúp phòng ngừa bệnh sốt vàng da, nhưng vẫn chưa có cách điều trị một khi đã nhiễm bệnh.
Trong khi đó, một số nhóm y tế lo ngại rằng, tình trạng thiếu vắc-xin sẽ gây khó khăn trong việc ứng phó với các ổ dịch.
Bà Heather Kerr, Giám đốc của tổ chức Save the Children tại Cộng hoà Dân chủ Congo cho biết trong một tuyên bố: "Chúng ta phải khẩn trương tiếp cận càng nhiều trẻ em và gia đình càng tốt, đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ. Hiện không có phương thức chữa trị cho bệnh sốt vàng da và căn bệnh này có thể lan ra toàn cầu".
Trước đó vào hôm 16/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động một chiến dịch tiêm phòng khẩn cấp, nhằm chủng ngừa cho hơn 14 triệu người dân trong các khu vực cần thiết. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin của WHO là có giới hạn và phải mất khoảng 6 tháng để sản xuất nguồn vắc-xin bổ sung.
Tổ chức này cũng có kế hoạch bù đắp tình trạng thiếu hụt vắc-xin bằng cách chỉ sử dụng 1/5 liều lượng vắc-xin/người, nhằm mở rộng khả năng cung cấp vắc-xin. Dù vậy, cách làm này cũng chỉ có hiệu lực trong thời gian khoảng 1 năm.
WHO đang chạy đua với thời gian, khi mùa mưa tháng 10 ngày càng đến gần, là lúc muỗi sinh sản nhiều hơn và sốt vàng da có khả năng tiếp tục lây nhiễm sang nhiều người.
Theo WHO, khoảng 10 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh sốt vàng ở thủ đô Kinshasa của DRC.
Lê Thảo (Lược dịch từ Sputniknews & Cbsnews)