Hình ảnh người phụ nữ mang khẩu trang thắp hương tại một ngôi chùa ở Bangkok. Ảnh: Business Insider
Cụ thể, vào ngày 5/2/2019, hầu hết những người theo truyền thống ăn mừng tết Nguyên Đán đã rũ bỏ những lo ngại về sức khỏe khi đốt rất nhiều lễ vật tại các đền thờ, chùa chiền, bất chấp việc một số người đã phải mang mặt nạ chống bụi.
“Sẽ là rất khó để chấm dứt hoàn toàn việc thắp hương. Đây là lễ hội mà trên cương vị là con cháu, chúng ta không thể không làm việc này”, Romnalin Wangteeranon, 61 tuổi chia sẻ sau lớp mặt nạ.
Được biết, chất lượng không khí ở Bangkok đã chạm mức không lành mạnh, nhất là khi số lượng hạt bụi mịn, thường được biết đến là PM 2.5 đã vượt qua mức độ an toàn tại một số quận. Tại những khu vực này, mặt nạ là sản phẩm đắt hàng nhất tại rất nhiều tiệm thuốc.
Tính đến chiều ngày 5/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Bangkok đạt 110. Theo thống kê phân tích của airvisual.com, sau khi đo lường chỉ số AQI tại nhiều thành phố trên toàn cầu, Bangkok đã được liệt vào danh sách là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
So với tuần trước, nhờ vào sự thay đổi trong hướng gió, chỉ số không khí của Bangkok đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đối với những biện pháp được thực hiện bởi chính phủ như phun mưa nhân tạo, điều tiết giao thông lại không đạt nhiều kết quả khả quan.
So với năm 2018, số lượng hương thắp lên trong năm nay đã chứng kiến mức giảm, nhưng rất ít. Điều này không tạo ra một sự thay đổi đáng kể nào. Nguyên nhân chính là do cơ quan chức năng chỉ yêu cầu tinh thần hợp tác mà không áp đặt lên cấm. Do đó vẫn có rất nhiều người tiếp tục thắp hương cầu nguyện, tờ CNA dẫn lời nhận định của một quan chức thuộc tổ chức Poh Teck Tung cho hay.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)