Hàn Quốc
Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc được gọi là Seollal, có ý nghĩa là ngày xua đuổi các linh hồn xấu, điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành.
Một trong những nghi lễ đầu tiên và quan trọng nhất trong Seollal là Charye, thường được tổ chức ở nơi thờ cúng của gia đình.
|
Seollal là tên gọi của Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc - Ảnh: Getty |
Đây là nghi lễ cầu nguyện hướng về tổ tiên, nguồn cội, cũng như cầu mong sự bình yên cho năm mới.
Nghi lễ tiếp theo là Sebae, nghĩa là bái lạy. Những người trẻ tuổi trong nhà đến lạy và chúc thọ những thành viên lớn tuổi và nhận tiền lì xì may mắn đầu năm, gọi là Sebaedon.
Người Hàn Quốc thường làm mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, đặc biệt không thể thiếu món Tteokguk - bánh canh gạo. Món ăn truyền thống này được ăn vào buổi sáng Seollal đầu tiên và mang ý nghĩa thêm một tuổi mới.
|
Món ăn Tteokguk không thể thiếu trong những ngày Tết ở Hàn Quốc - Ảnh: Alamy |
Một bàn Charye được sắp xếp với nhiều loại hoa quả đủ hình dáng, màu sắc tươi sáng. Người Hàn Quốc cũng có quy tắc bày biện trên bàn thờ riêng, gọi là Jesa Whiz.
Trong Seollal, câu chúc tết thông dụng nhất được phát âm là sae hae bok manhi bah doo seh yo, mang ý nghĩa "chúc bạn nhận được nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới".
Mông Cổ
Tết Nguyên đán của người Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar, có ý nghĩa là "mặt trăng trắng". Trước đây, người Duy Ngô Nhĩ chịu ảnh hưởng bởi lịch và Tết của người Trung Hoa, sau đó lại tác động đến người Mông Cổ ở phương bắc.
|
Người Mông Cổ gọi Tết Nguyên đán là Tsagaan Sar - Ảnh: Wordpress |
Như ở nhiều quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, Tsagaan Sar chủ yếu kéo dài trong ba ngày và là thời gian để các thành viên trong gia đình và dòng họ có cơ hội gặp mặt và sum vầy.
Người Mông Cổ sửa soạn cho Tsagaan Sar từ nhiều tuần trước khi bắt đầu tổ chức các lễ hội như áo quần đẹp hay ngựa tốt (với những người du cư) để di chuyển trong các lễ hội.
Theo phong tục, mỗi gia đình chuẩn bị rất nhiều món ăn truyền thống dịp năm mới của người Mông Cổ là bánh buuz - bánh nhân thịt cừu - có khi đến hàng trăm chiếc.
Ngày 30 Tết của người Mông Cổ gọi là Bituun. Cũng như người Việt, trong ngày hôm đó, những thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau lau dọn mọi ngóc ngách từ trong nhà ra đến chuồng trại.
Ngoài ra, các nhà Mông Cổ còn đặt ba viên đá lạnh bên ngoài cửa nhà để thần ngựa Palden Lhamo có thể uống khi tới thăm gieo may mắn đầu năm.
|
Nghi thức chúc zolgokh của người Mông Cổ - Ảnh: Wordpress |
Buổi sáng ngày Tsagaan Sar, gia chủ mang trà và sữa tới cho các thần bằng cách rắc ra khắp hướng.
Người Mông Cổ ngày nay vẫn còn giữ cách thực hiện lời chúc zolgokh, trong đó sẽ dùng tay ôm khuỷu tay những người cao tuổi để bày tỏ sự tôn kính. Khi làm lễ chúc mừng, các thành viên còn lại trong gia đình thường cùng nhau giữ các mảnh vải lụa dài, thường có màu lam, gọi là khadag.
Sau nghi lễ, đại gia đình ăn các món đuôi cừu, thịt cừu, cơm với sữa đông, các sản phẩm bơ sữa, và bánh buuz, uống airag (sữa ngựa lên men).
Nepal, Bhutan, Tây Tạng
Tết nguyên đán ở vùng Tây Tạng được gọi là Losar, diễn ra vào ngày đầu tiên của năm theo lịch Tây Tạng. Lịch này thường trùng với lịch âm dương của người Đông Á, tuy vậy thỉnh thoảng vẫn có chênh lệch từ một hoặc vài ngày.
|
Lễ hội Losar của người dân khu vực Tây Tạng - Ảnh: Getty |
Trong tiếng Tạng, Losar có nghĩa là "năm mới". Theo truyền thống, Losar gồm 3 ngày chính, tuy vậy phần lễ hội ở một số nơi có thể kéo dài từ 10 đến 15 ngày tiếp theo.
Do vùng Tây Tạng chịu ảnh hưởng rất lớn từ Phật giáo nên những hoạt động trong Tết Losar cũng mang nhiều màu sắc của tôn giáo này, chẳng hạn như lễ cúng dường chư Phật và bồ tát, lễ hội Đèn Bơ.
|
Những lá cờ Lungta đặc trưng ở Tây Tạng - Ảnh: Getty |
Điểm đặc biệt trong quá trình chuẩn bị Tết Losar của cư dân Tây Tạng là việc may những lá cờ Lungta - một dải các lá cờ hình vuông có màu trắng, xanh dương, xanh lá, vàng, đỏ - sau đó treo lên đồi núi hay nóc nhà.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, dải cờ này là biểu tượng linh thiêng giúp kết nối với thế giới tâm linh trong quá trình cầu nguyện, đồng thời là sứ giả mang đến sự giàu có và trường thọ.
Trong những ngày này, có thể dễ dàng bắt gặp những người Tây Tạng đang cầu nguyện cũng như cúng hương hoa dâng lên Phật hay bồ tát và mong một năm mới ấm no, tốt lành với con người khắp nơi và cả với cỏ cây, muông thú.
Nước nào đón Tết trễ nhất?
Trong số các quốc gia xem Tết là quốc lễ, Nepal là nơi đón Tết trễ nhất. Cụ thể, múi giờ của Nepal là GMT+5,45, trong khi giờ của Bhutan là GMT+6 và GMT+7. Điều này có nghĩa là trong cùng một thời điểm, nếu ở Việt Nam là 0h thì Bhutan là 23h và Nepal là 10h45, do đó Nepal sẽ đón Tết Nguyên đán trễ nhất.
Trái lại, Triều Tiên và Hàn Quốc đón Tết sớm nhất khi 2 quốc gia cùng chung một bán đảo này đều có múi giờ GMT+9./.
Theo VOV