ClockThứ Bảy, 13/01/2018 10:06

Thấy gì từ Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới của Mỹ?

Dư luận Mỹ đã có những phản ứng khác nhau về nội dung của NSS mới. Không ít ý kiến cho rằng Mỹ đang đi vào ngõ cụt.

Mỹ: Chiến lược chống khủng bố mới kêu gọi đồng minh làm nhiều hơnTổng thống Mỹ thông qua chiến lược mới đối phó với khủng bố ở Yemen

Ngày 18/12/2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (NSS) không khác biệt mấy so với người tiền nhiệm, thậm chí còn những quan điểm và giải pháp thực hiện chiến lược vẫn chưa rõ ràng, khiến giới nghiên cứu và dư luận quốc tế quan tâm.

Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump. Ảnh: AP

Bối cảnh chiến lược

Theo nhận định của NSS, tình hình thế giới thời gian qua liên tục diễn biến khó lường, từ một số quốc gia đơn phương phát triển vũ khí hạt nhân tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố đe dọa an ninh toàn cầu. Trong nước, người Mỹ phải đối mặt với tình trạng tội phạm xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng và thâm hụt thương mại làm suy yếu nền kinh tế quốc gia.

Trên cơ sở phân tích bối cảnh chiến lược, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã xây dựng NSS mới của Mỹ dựa trên học thuyết “Nước Mỹ trên hết”. Phương châm xuyên suốt bản NSS dài 68 trang và diễn văn của ông Trump, sẽ tiếp tục là kim chỉ nam của chính sách an ninh – đối ngoại của Mỹ thời gian tới.

Tổng thống Donald Trump cho biết: “Chiến lược này cho thấy chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên của cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực như kinh tế, quân đội và chính trị. Chúng ta đang đối mặt với các quốc gia bất hảo, những nước đe dọa Mỹ và các nước đồng minh” của Mỹ.

“Chúng ta phải đối mặt với các tổ chức khủng bố, các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia và các tổ chức reo rắc bạo lực và những điều tồi tệ trên toàn cầu. Chúng ta cũng phải đôi mặt với các quốc gia kình địch như Nga và Trung Quốc, những nước tìm cách thách ảnh hưởng, giá trị và thịnh vượng của Mỹ”.

Ông Trump nói thêm: “Chúng ta sẽ tìm cách xây dựng một mối quan hệ đối tác lớn với những nước đó với mục đích là luôn luôn bảo vệ giá trị quốc gia. Với việc công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, tôi tuyên bố nước Mỹ đã vào cuộc và sẽ thắng lợi”.

Mục tiêu và phương châm

Theo giới quan sát, NSS của ông Trump tập trung vào mục tiêu bảo vệ biên giới nội địa, thúc đẩy thịnh vượng của nước Mỹ, thúc đẩy hòa bình bằng sức mạnh cũng như tăng cường ảnh hưởng của nước Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ hợp tác với các nước khác theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ. Thậm chí, Mỹ có thể đơn phương hành động, bỏ qua các thỏa thuận đang tồn tại, không tính đến lợi ích các nước liên quan trong một số vấn đề như biên giới, thương mại, biến đổi khí hậu và di cư.

Theo đó, NSS mới của Mỹ được xây dựng trên bốn “trụ cột” đó là: (1) bảo vệ an ninh nội địa, người Mỹ và lối sống Mỹ; (2) thúc đẩy thịnh vượng của người Mỹ; (3) duy trì hòa bình thông qua sức mạnh; (4) và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tái khẳng định các giá trị Mỹ đồng thời nêu bật những thành tựu đã đạt được kể từ khi ông được bầu làm Tổng thống trong mọi lĩnh vực bao gồm tăng trưởng kinh tế, chính trị và đối ngoại.

Xác định các mối đe dọa

Theo Văn kiện NSS, các thách thức đối với nước Mỹ trong thời gian tới được chia thành ba nhóm:

Một là, Các quốc gia như Trung Quốc và Nga, đang tìm cách xây dựng một trật tự toàn cầu mới, cả về quân sự lẫn kinh tế, tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Đáng chú ý, trong chiến lược trên, Mỹ nhận định Nga là một nhân tố tiêu cực trên trường quốc tế và Washington coi Moscow là một đối thủ, bất chấp quan điểm của cá nhân ông Trump muốn có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hai là, Các quốc gia được Mỹ xếp vào diện “cứng đầu” hoặc “bất hảo” như Iran và Triều Tiên, với nỗ lực lực theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, trợ giúp khủng bố cũng như các hoạt động gây bất ổn khác.

Ba là, Các nhân tố phi nhà nước như các tổ chức khủng bố và băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Điểm khác biệt nhất trong Chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump so với chính quyền trước đó của ông Obama là không xác định biến đổi khí hậu là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Sự phản ứng khác nhau của dư luận

Dư luận Mỹ đã có những phản ứng khác nhau về nội dung của NSS mới. Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump, vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, với chiến lược này nước Mỹ đang đi vào ngõ cụt, sẽ khiến cho chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến trỗi dậy. Điều này sẽ làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập và khó có thể bảo vệ an ninh và thịnh vượng của chính mình.

Mỹ coi an ninh kinh tế là một phần không thể tách rời của an ninh quốc gia. Theo đó, Washington nhiều khả năng sẽ mạnh tay xử lý bất bình đẳng và thâm hụt thương mại trong quan hệ giao thương với các nước khác.

Giáo sư Peter Feaver của Đại học Duke (Mỹ) đánh giá cao việc NSS đặt ưu tiên về an ninh kinh tế lên hàng đầu, là nền tảng sức mạnh để Mỹ duy trì vị thế dẫn dắt của mình trên trường quốc tế. Bản báo cáo cũng cụ thể hóa và giải thích phần nào phương châm “Nước Mỹ trên hết”.

Theo đó, lợi ích quốc gia của Mỹ được đặt lên hàng đầu không đồng nghĩa với việc Washington xem nhẹ các đồng minh truyền thống và rời bỏ các tổ chức quốc tế. Ông cũng đánh giá cao cách NSS sử dụng ngôn từ, khi những đoạn văn đề cập đến các vấn đề nóng như thâm hụt thương mại, người nhập cư hay nhân quyền không gay gắt nhưng vẫn đầy tính thuyết phục.

Tờ New York Times lại cho rằng, thay vì giải thích về bản chất các mối đe dọa trong NSS, ông Trump lại “xoáy” vào những vấn đề trong chiến dịch tranh cử, ca ngợi những thành tựu mà ông đạt được trong việc kích thích thị trường, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thuế… Điều này không chỉ làm các Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đau đầu, mà còn khiến các nước khác cảm thấy bối rối từ những lời lẽ đầy mâu thuẫn của ông chủ Nhà Trắng.

Chống biến đổi khí hậu, vốn từng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington thời người tiền nhiệm, nay đã bị gạt ra khỏi nội dung của an ninh – đối ngoại Mỹ. NSS chỉ đề cập về “tầm quan trọng của việc quản lý môi trường” mà không đi sâu vào chi tiết hay nhấn mạnh nội dung này. Đây có thể coi là một bước lùi đáng tiếc của chính quyền Tổng thống Trump.

Cũng đã có những phản ứng hoài nghi về quan điểm của ông Trump, cho rằng chiến lược trên đặt ra những vấn đề có vẻ khác xa với thực tế điều hành đất nước hiện nay cũng như các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong việc để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc và Nga nhưng lại coi các nước này là đối tượng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là đối thủ có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Chính vì thế, dư luận đang chờ xem NSS mới của Mỹ sẽ được hiện thực hóa như thế nào.

Như vậy, với Văn kiện NSS và bài phát biểu của Tổng thống Trump đã hé lộ phần nào chính sách an ninh – đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cách Washington triển khai cụ thể phương châm “Nước Mỹ trên hết” ra sao, xây dựng 4 trụ cột và theo đuổi các mục tiêu chiến lược như thế nào, vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đối với cộng đồng quốc tế./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top