Thế giới tăng cường hỗ trợ quyền và lợi ích của người tự kỷ. Ảnh: United Nations Information Center
Trong những năm gần đây, nhận thức về chứng tự kỷ đã phát triển hơn trên toàn thế giới. Đối với Liên Hiệp quốc, quyền lợi của người khuyết tật, bao gồm cả những cá nhân mắc chứng tự kỷ - những gì đã được quy định trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ của mình.
Vào năm 2015, khi lãnh đạo các nước trên thế giới thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ về sự phát triển toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững đối với mọi cá nhân, đồng thời đảm bảo không bỏ lại ai phía sau. Trong nội dung này, sự tham gia của những người mắc chứng tự kỷ đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Đối với nhiều người tự kỷ, tiếp cận với công nghệ hỗ trợ giá cả phải chăng là điều kiện tiên quyết để có thể phát huy quyền công dân cơ bản và hòa đồng hơn với cộng đồng xung quanh, từ đó góp phần thực hiện hóa các SGDs. Công nghệ sẽ hỗ trợ làm giảm, hoặc loại bỏ các rào cản của người tự kỷ, trên cơ sở bình đẳng với những cá nhân khác.
Mặc dù tiến trình tiến bộ, hiện đại hóa công nghệ đang diễn ra liên tục, song vẫn còn tồn tại khá nhiều rào cản chính đối với việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ, đơn cử như chi phí còn tương đối cao, thiếu tính khả dụng... Các thống kê chỉ ra rằng tại một số quốc gia đang phát triển, hơn 50% số người khuyết tật đang rất cần công nghệ hỗ trợ, song vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu này.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ người khuyết tật, bao gồm cả người mắc chứng tự kỷ, tháng 9/2018, Tổng thư ký LHQ đã ra mắt Chiến lược mới về Công nghệ mới, nhằm xác định hành động cụ thể trong việc làm thế nào để LHQ hỗ trợ triển khai sử dụng các công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2019, vào ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, các lãnh đạo sẽ tập trung vào việc sử dụng công nghệ hỗ trợ cho những người mắc chứng tự kỷ như một công cụ để xóa bỏ rào cản của họ đối với xã hội, cũng như thúc đẩy bình đẳng, công bằng và hòa nhập.
Được biết, vào năm 2008, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc nhất trí chọn ngày 2/4 hằng năm làm Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ.
Đan Lê (Lược dịch từ UN Nation)