ClockThứ Năm, 10/11/2016 14:57

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo “mở cửa” để người tị nạn tràn vào châu Âu

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ đình chỉ thỏa thuận về người tị nạn với EU nếu khối này không nhanh chóng miễn thị thực vào châu Âu cho công dân nước này.

UNHCR: Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người tị nạn có thể đổ vỡThỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ có giảm bớt gánh nặng nhập cư cho châu Âu?Thổ Nhĩ Kỳ dọa EU: Sẽ trục xuất 2,5 triệu người tị nạn Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (9/11) cảnh báo sẽ "mở cửa" cho hàng triệu người tị nạn Syria vào châu Âu nếu không có bước tiến trong các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm trả đũa lại việc EU gia tăng chỉ trích các hoạt động trấn áp của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua.

tho nhi ky canh bao mo cua de nguoi ti nan tran vao chau au hinh 1
Làn sóng người tị nạn vẫn là vấn đề khiến châu Âu phải đau đầu. (Ảnh: AP)

“Liên minh châu Âu nên đưa ra quyết định cuối cùng về các cuộc đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối” – Đây là cảnh báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đưa ra trong bối cảnh bất đồng ngày càng gia  tăng giữa quốc gia này với Liên minh châu Âu, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Erdogan cho biết: “Hiện nay có 3 triệu người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu cần phải xem xét và suy nghĩ về việc 3 triệu người tị nạn này sẽ đi đâu nếu các cuộc đàm phán thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới. Đây là mối lo ngại của họ”.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tối hậu thư kiểu này cho Liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ- hiện là đối tác quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà các nước châu Âu đang phải đối mặt. 

Biết rõ lợi thế của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lấy Thỏa thuận di cư giữa hai bên, đạt được vào tháng 3 vừa qua, để hối thúc châu Âu trao quyền miễn thị thực cho công dân nước này và đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cũng cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ thỏa thuận với EU về việc ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn trước cuối năm nay, nếu EU không nhanh chóng miễn thị thực vào châu Âu cho công dân nước này.

Tuy nhiên, châu Âu có thể đánh đổi tài chính chứ không thể phá bỏ những nguyên tắc giá trị dân chủ của khối bấy lâu nay. Vì vậy Liên minh châu Âu khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải sửa đổi luật chống khủng bố gây tranh cãi, đồng thời chỉ trích chiến dịch trấn áp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trong thời gian qua. 

Một số nước EU cũng tuyên bố ngừng đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc nước này đề xuất khôi phục án tử hình. Trong báo cáo về tiến trình gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu đưa ra hôm qua, EU cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng cử viên xin gia nhập và họ phải chấp nhận các tiêu chuẩn của khối. Các giá trị dân chủ của châu Âu không phải là điều được đưa ra đàm phán. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker cũng cảnh báo, Tổng thống Erdogan sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Thỏa thuận di cư đổ vỡ: “Nếu EU từ chối tự do hóa thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, lỗi này không nên đổ cho châu Âu mà nên đổ lỗi cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ phải giải thích cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ về việc tại sao họ không thể tự do đi lại khắp châu Âu giống những người châu Âu khác. Chính bởi vì ông Erdogan là người không thực hiện được các điều kiện với EU”.

Mặc dù chưa đưa ra hành động cụ thể, nhưng cuộc chiến “ngôn từ” giữa hai bên đang đẩy Thỏa thuận di cư trước nguy cơ đổ vỡ, trong  bối cảnh châu Âu tiếp tục phải đối mặt với làn sóng người di cư tăng mạnh. Áo và các nước Balkan cũng bắt đầu chuẩn bị viễn cảnh Thỏa thuận Liên minh châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ.  

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước Trung, Đông và Đông Nam Âu có cuộc họp để thảo luận biện pháp đối phó với dòng người di cư gia tăng.  

Trước khi Liên minh châu Âu đạt được Thỏa thuận di cư với Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Macedonia, Serbia và các nước khác đã phối hợp áp đặt kiểm soát biên giới, đóng cửa tuyến đường di cư chính vào châu Âu và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hy Lạp. Bộ trưởng Quốc phòng Áo cho biết sẽ tiếp tục tổ chức cuộc gặp của Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng của các nước trong những tuần sắp tới  để thảo luận về vấn đề này./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top