Chiến dịch diễn ra tại khoảng 10 thành phố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu từ thủ đô Ankara. Tại đây, khoảng 60 đối tượng tình nghi đã bị bắt giữ, trong đó phần lớn là người nước ngoài.
|
Ngày 5/2, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch truy quét và bắt giữ khoảng 400 đối tượng tình nghi thuộc nhóm IS. Ảnh: AP. |
Kể từ sau cuộc thảm sát xảy ra ngay những ngày đầu năm mới 2017 tại một hộp đêm ở thành phố Istanbul lớn nhất nước làm 39 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là khách du lịch Ả Rập, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các chiến dịch chống khủng bố trên khắp cả nước.
Vụ bắt giữ đối tượng tình nghi là thủ phạm vụ tấn công đã đưa ra ánh sáng nhiều mạng lưới Hồi giáo cực đoan hoạt động ngầm tại nước này, trong đó có cả những khu vực được đánh giá là khá yên bình như Bursa, miền Tây nước này.
Những cuộc thẩm vấn nghi phạm được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ gọi với cái tên “Nút thắt Istanbul”đã giúp lực lượng an ninh nước này bắt giữ hơn 30 đối tượng chỉ trong vòng 48 giờ và những đối tượng này chủ yếu đến từ các nước Trung Á.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là chiến dịch truy quét khủng bố cuối tuần qua được chính phủ và các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thông báo khá chi tiết, coi đây như một thông điệp gửi tới những kẻ khủng bố, cùng với những thông tin tích cực của “Chiến dịch Euphrates” chống IS tại nước láng giềng Syria.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố, song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ huy động biện pháp từ quân sự, kinh tế, chính trị tới xã hội để đi đến chiến thắng cuối cùng. Ông nói: “Không có một đất nước nào trên thế giới gặp nhiều khó khăn như Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Song chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng và tương lai sẽ là câu trả lời tốt nhất”.
Có thể nói, trong năm 2016 và đầu năm 2017 này, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với thách thức khủng bố chưa từng có. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, nước này đã phải chứng kiến hơn 30 vụ đánh bom khủng bố đẫm máu, mà thủ phạm phần lớn là do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm nổi dậy đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiến hành.
Những vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn cho dân thường và lực lượng an ninh này đã khiến dư luận hết sức lo ngại. Theo các nhà phân tích, một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố là do thời gian gần đây, nước này đã quyết định chuyển chính sách liên minh với Nga, Iran trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và có sự can dự sâu vào vấn đề Xyri.
Vai trò tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS cũng như những cuộc tấn công vào nhóm vũ trang này tại khu vực biên giới chắc chắn làm gia tăng các vụ trả đũa trong tương lai. Vì thế, năm 2017 được dự báo sẽ là một năm khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là khi nước này có đường biên giới chung với Iraq và Syria, nơi IS đang kiểm soát 1 phần lãnh thổ và ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tới hơn 2 triệu người dân di cư từ những nước láng giềng này./.
Theo VOV