ClockThứ Bảy, 02/07/2016 06:05

Thủ đô Bangladesh: Nổ súng, bắt giữ con tin ở khu ngoại giao

TTH.VN - Các tay súng đã xông vào một nhà hàng nổi tiếng có nhiều người nước ngoài ở thủ đô Dhaka của Bangladesh vào tối hôm qua (1/7), bắt giữ khoảng 20 người làm con tin, trong đó có nhiều người nước ngoài, trong một cuộc tấn công mà IS tuyên bố thực hiện, tin từ Reuters và AFP cho biết.


 

Khách qua đường giúp người bị thương tại quán cafe Holey Artisan Bakery, thủ đô Dhaka của Bangladesh. Ảnh: AP

Những kẻ tấn công đã xông vào nhà hàng Holey Artisan Bakery ở ngoại giao hạng sang tại Dhaka và la lớn "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại) và nổ súng vào khoảng 21:20 (giờ địa phương) tối ngày 1/7.

Quản lý của nhà hàng Sumon Reza - người trốn thoát bằng cách nhảy từ mái nhà xuống nói với một tờ báo địa phương rằng, có 20 người nước ngoài bị bắt làm con tin và cho biết những kẻ tấn công đã kích hoạt chất nổ.

"Tôi đã trốn lên mái nhà. Toàn bộ tòa nhà rung lên khi chúng bắt đầu kích nổ", ông Reza kể lại.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công, một nguồn tin liên quan đến IS công bố. Hãng tin Aamaq viết, "IS tấn công một nhà hàng quen thuộc với người nước ngoài tại thành phố Dhaka", và tuyên bố có "hơn 20 người thuộc các quốc tịch khác nhau đã bị thiệt mạng".

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trên Twitter rằng, có một vụ bắt giữ con tin, nhưng vẫn còn quá sớm để nói ai đã tham gia vào vụ việc hoặc có những động cơ gì. Phía Nhà Trắng cũng xác nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama đang theo dõi tình hình.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Chính phủ Bangladesh khẳng định với AFP rằng, có nhiều người bên trong nhà hàng, bao gồm cả một công dân Ý đang làm việc ở đó.

Đại sứ Pháp Sophie Aubert cho biết, nhà hàng này "rất phổ biến" với các nhà ngoại giao và nhiều người nước ngoài khác ở Dhaka. "Chúng tôi rất lo ngại rằng có một số con tin đang ở bên trong", bà Aubert nói với AFP, tiết lộ thêm rằng đang cố gắng để xác nhận xem có người nước ngoài trong đó hay không.

Rất nhiều cảnh sát vũ trang và nhân viên bán quân sự phong tỏa khu vực này khi các cuộc đấu súng nổ ra. "Bọn chúng có khoảng 8 hoặc 9 người", một nhân chứng nói với các phóng viên. "Chúng hét  lên “Allahu Akbar” khi bước vào nhà hàng."

Nhân viên an ninh Bangladesh đứng gác gần nhà hàng. Ảnh: AP

Làn sóng các vụ tấn công chết người

Vụ tấn công xảy ra gần Câu lạc bộ Bắc Âu, nơi tụ tập của nhiều người nước ngoài từ các quốc gia Bắc Âu và Đại sứ quán Qatar, khi Bangladesh đang bước vào tháng lễ Ramadan.

Vụ việc diễn ra sau một loạt các vụ giết người nhắm mục tiêu vào người nước ngoài tại Bangladesh mà nhóm cực đoạn IS tuyên bố thực hiện.

Cảnh sát cho biết, 2 nhân viên của họ đã bị thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương.

“Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Chúng tôi đang tìm cách đối thoại với những kẻ tấn công”, Benazir Ahmed, Chỉ huy Lữ đoàn phản ứng nhanh của Lực lượng cảnh sát Bangladesh nói với các phóng viên, “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo mạng sống cho những người bị giữ ở bên trong”.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, một số cảnh sát được đưa ra khỏi khu vực này với những vết máu dính trên khuôn mặt và quần áo. Nhiều cán bộ vũ trang có thể được nhìn thấy đang thực hiện nhiệm vụ bên ngoài.

Một người dân ở gần hiện trường vụ tấn công nói với Reuters rằng, ông có thể nghe thấy tiếng súng nổ lẻ tẻ gần 3 giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu. "Tình hình ở đó rất hỗn loạn. Các đường phố bị chặn lại. Có hàng chục cảnh sát", ông Tarique Mir nói.

Bangladesh đang phải chứng kiến sự gia tăng bạo lực quân sự trong suốt 1 năm rưỡi qua, với một loạt các vụ tấn công chết người nhắm mục tiêu vào những người vô thần, người đồng tính, người nước ngoài và thành viên của các tôn giáo thiểu số ở đất nước có chủ yếu là người Hồi giáo với khoảng 160 triệu người.

Hồi năm ngoái, các tay súng cũng đã làm thiệt mạng 2 người nước ngoài, khiến nhiều công ty phương Tây tham gia vào lĩnh vực may mặc của đất nước này phải tạm dừng việc đầu tư vào Dhaka.

Cả IS và Al Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công, mặc dù chính quyền địa phương nói không có mối liên kết hoạt động giữa các tay súng Bangladesh và mạng lưới thánh chiến quốc tế.

Chính phủ và cảnh sát đổ lỗi cho phiến quân trong nước gây ra các vụ giết người, cho rằng đó là một phần của một âm mưu gây bất ổn cho đất nước, với cáo buộc phe đối lập chính là đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) và đồng minh Hồi giáo của nó đã thực hiện các vụ việc.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WB phê duyệt 210 triệu USD cho dự án về phụ nữ và trẻ em Bangladesh

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt 210 triệu USD cho một dự án của Bangladesh nhằm cung cấp chuyển tiền mặt và các dịch vụ tư vấn để cải thiện dinh dưỡng, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 1,7 triệu phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 4 tuổi ở các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

WB phê duyệt 210 triệu USD cho dự án về phụ nữ và trẻ em Bangladesh
Bình luận quốc tế
Thách thức bảo đảm nguồn cung điện

Tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài đang đặt nhiều nước trên thế giới trước thách thức bảo đảm nguồn cung điện cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ thiếu điện.

Thách thức bảo đảm nguồn cung điện
Return to top