Hai ngày trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (23/5-26/5), Thủ tướng Theresa May thông báo một loạt thỏa hiệp mà bà có thể chấp nhận nhằm cứu vãn tiến trình Brexit đang lâm vào bế tắc. Đáng chú ý trong số này có khả năng về một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 và việc tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với Liên minh châu Âu. Đây đều là những “giới hạn đỏ” mà vị nữ Thủ tướng Anh từng kiên quyết không nhượng bộ trong suốt quá trình đàm phán kéo dài hơn 2 năm qua.
Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Axios
Thủ tướng Theresa May ngày 21/5 một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận “chia tay” giữa Anh và Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Theo bà, đây là cơ hội cuối cùng nhằm hiện thực hóa mong muốn của người dân Anh.
Không giống với 3 lần bỏ phiếu trước đó, cuộc bỏ phiếu tại Nghị viên mà Thủ tướng Theresa May kêu gọi vào đầu tháng 6 tới là nhằm thông qua dự luật về Brexit, trong đó ấn định các thể thức pháp lý của việc chia tay, chứ không phải là về thỏa thuận. Theo Thủ tướng Theresa May, nếu các nghị sĩ thông qua dự luật, bà có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, cũng như việc tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với Liên minh châu Âu. Ngoài ra, vị nữ lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng cam kết đảm bảo quyền lợi của người lao động và các tiêu chuẩn về môi trường theo yêu cầu của Công đảng đối lập.
“Tôi đã nỗ lực làm mọi việc có thể nhằm thúc đẩy thông qua thỏa thuận. Quả thực ban đầu tôi chỉ đơn giản nghĩ sẽ đạt được điều này chủ yếu nhờ vào lá phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ và đảng Dân chủ hợp nhất. Tuy nhiên giờ đây tôi đã cố gắng đưa ra những thay đổi theo yêu cầu của các nghị sĩ và thậm chí là sẵn sàng rời nhiệm sở sớm hơn dự kiến”, bà May nhấn mạnh.
Nghị viện Anh hồi giữa tháng 3 vừa qua đã bác bỏ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Đây là một ý tưởng được nhiều đảng phái tại Anh đề cập tới thời gian gần đây, song lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ Brexit, trong khi một số khác thì lo ngại một kịch bản như thế có thể làm trầm trọng hơn tình trạng chia rẽ chính trị hiện nay. Theo Thủ tướng Theresa May, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit sẽ diễn ra trước khi thỏa thuận chia tay có thể được thông qua. Còn trong trường hợp, các nghị sĩ thông qua dự luật Brexit, song lại bác bỏ việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2, nước Anh có thể rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 7 tới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cảnh báo, đảng đối lập chính tại Anh này không thể ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Theresa May, bởi cho rằng đây chỉ là “phiên bản làm lại” của thỏa thuận tồi tệ trước đó.
“Chúng tôi không thể ủng hộ dự luật này vì về cơ bản đây chỉ là phiên bản làm lại của thỏa thuận tồi tệ trước đó. Không có bất kỳ sự thay đổi cơ bản về liên kết thị trường hay liên minh hải quan, cũng như bảo vệ những đặc quyền của người tiêu dùng và đơn giản là chất lượng thực phẩm mà chúng ta sẽ ăn trong tương lai. Nhiều nghị sĩ của chính đảng Bảo thủ cũng đã nói rằng họ không thể thông qua dự luật”, ông Corbyn nói.
Ngoài những thỏa hiệp lớn dành cho Công đảng đối lập, Thủ tướng Theresa May cho biết cũng đã lắng nghe những lo ngại của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland về điều khoản “chốt chặn cuối cùng”. Đây được xem là giải pháp cuối cùng được đưa vào thỏa thuận chia tay nhằm tránh phải tái thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và nước Cộng hòa Ireland sau khi Anh rời Liên minh châu Âu, đảm bảo duy trì thỏa thuận hòa bình Ngày thứ 6 tốt lành năm 1998, cũng như bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường châu Âu duy nhất.
Theo Thủ tướng Theresa May, chính phủ sẽ có nghĩa vụ phải tìm kiếm nhữn giải pháp thay thế cho điều khoản “chốt chặn cuối cùng” từ nay đến tháng 12/2020. Tuy nhiên trong một dấu hiện cho thấy cuộc tranh cãi không hồi kết tại Anh, nghị sĩ đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland Nigel Dodds cho biết, đảng này sẽ xem xét kỹ lưỡng dự luật, song nhấn mạnh, những sai lầm cơ bản trong thỏa thuận chia tay vẫn không thay đổi. Và dù các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hay bác bỏ dự luật, Thủ tướng Theresa May vẫn nên chuẩn bị cho sự ra đi.
Theo VOV