Gần 10% người hút thuốc ở Indonesia nằm trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Ảnh: Antara/Yusuf Nugroho
Tuần trước, Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia tuyên bố cấm hoàn toàn các quảng cáo thuốc lá trực tuyến. Lệnh cấm nhằm giảm số người hút thuốc ở độ tuổi thanh thiếu niên, sau khi có yêu cầu chính thức từ Bộ Y tế nước này. Trước đó, một nghiên cứu của Bộ Y tế Indonesia trong năm 2018 cho thấy tỷ lệ người hút thuốc ở độ tuổi từ 10 đến 18 đã tăng từ 7,2% năm 2013 lên 9,1% vào năm 2018.
Bộ Truyền thông và Tin học nước này cũng tìm thấy 114 liên kết trên Facebook, Instagram và YouTube đã vi phạm lệnh cấm "quảng cáo thuốc lá hiển thị hành vi hút thuốc" trong Luật Sức khỏe năm 2009.
Thực tế, các nhà sản xuất thuốc lá có rất nhiều chiêu trò để thu hút người tiêu dùng, đưa thuốc lá tiếp cận với người hút thuốc, nhất là giới trẻ. Theo SEATCA, ngành công nghiệp thuốc lá đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm vào các nỗ lực quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ trên toàn cầu. Trong khi đó, một khảo sát năm 2018 của Polling Indonesia và Hiệp hội các nhà cung cấp Internet của Indonesia cho thấy, phần lớn trong số 177 triệu người dùng internet ở Indonesia nằm trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi – nhóm đối tượng được cho là “nhiều tiềm năng” mà các nhà sản xuất thuốc lá muốn nhắm tới.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Quan hệ công chúng London tại 5 thành phố trên đảo Java năm ngoái cho thấy 10% người không hút thuốc ở tuổi vị thành niên sẽ có xu hướng hút thuốc sau khi xem các quảng cáo thuốc lá trên web. Hầu hết thanh thiếu niên được tiếp xúc với quảng cáo thuốc lá trên YouTube, trang web, Instagram và các trò chơi trực tuyến.
Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Ulysses Dorotheo - Giám đốc của SEATCA cho rằng, "Internet là một phương thức tiếp thị mới được các công ty thuốc lá khai thác để quảng bá các sản phẩm độc hại của họ. Là quốc gia có số lượng người dùng internet cao thứ 5 trên thế giới, phần lớn trong số đó là thanh thiếu niên, do đó việc cấm quảng cáo thuốc lá trực tuyến sẽ giúp bảo vệ giới trẻ nước này - mục tiêu chính của các công ty thuốc lá. Tất cả các quốc gia, nhất là các nước trong khi vực ASEAN, nên thiết lập và thực thi mạnh mẽ lệnh cấm quảng cáo thuốc lá trên tất cả các nền tảng truyền thông xã hội và kỹ thuật số", ông nhấn mạnh.
Sử dụng thuốc lá vẫn được coi là "nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm, vốn có thể phòng ngừa được", giết chết 8 triệu người/năm trên toàn cầu. Ở Indonesia, hiện có khoảng 66 triệu người hút thuốc, khoảng 66% trong số đó là nam giới trưởng thành. Thống kê cho thấy, mỗi năm ở nước này có hơn 230.000 người thiệt mạng vì hút thuốc, chiếm khoảng 50% số ca tử vong do thuốc lá ở khu vực ASEAN, vối tổng số khoảng 500.000 người chết mỗi năm vì thuốc lá.
Tố Quyên (Lược dịch từ Jakarta Globe)