Các học giả cũng như giới truyền thông châu Âu cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, dù châu Âu không phải là "người chơi" chính trong vấn đề Triều Tiên.
Trang Nhất của hầu như tất cả các tờ báo lớn tại châu Âu, như tờ “Thế giới” của Pháp, “Người bảo vệ” của Anh hay “Tấm gương” của Đức ra trong ngày hôm nay (thứ Ba ngày 12/6), đều có chủ đề chính là cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un tại Singapore.
|
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Ảnh: Korea Times. |
Hầu hết các nhận định trên truyền thông của các chuyên gia châu Âu châu Âu đều cho rằng, bất kể kết quả cuộc gặp ra sao thì đây cũng được coi là một bước ngoặt quan trọng trong bàn cờ chính trị khu vực Đông Á và dù muốn hay không, thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp gặp và đối thoại ngang bằng với nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể xem như là một sự thừa nhận thắng lợi về mặt ngoại giao của chính quyền Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nhận định cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng và tránh tâm lý lạc quan quá mức về các kịch bản Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn ngay lập tức vũ khí hạt nhân hay bán đảo Triều Tiên có thể thống nhất trong tương lai gần.
Ông Bruno Tertrais, chuyên gia về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) tại Pháp, thì nhận định rằng, vấn đề quan trọng nữa cần chú ý, là xem Tổng thống Mỹ, Donald Trump chờ đợi những gì và phản ứng với sự chờ đợi đó ra sao.
“Tôi cho rằng, cái mà ông Donald Trump mong đợi, ngoài một bức ảnh kỷ niệm đơn thuần, thì đó là việc từ phi- hạt- nhân cần được phát ngôn và được ghi rõ trong một Tuyên bố chung. Và đây chính là lúc nảy sinh vấn đề. Với một người có các lập luận khá đơn giản như ông Trump, thì phi hạt nhân là phi hạt nhân.
Nhưng ông Kim Jong Un thì có thể sẽ nói, nếu tất cả mọi người từ bỏ vũ khí thì chúng tôi cũng sẽ làm thế. Và đây chính là rủi ro, vì có thể 1 vài tháng sau, hay 2 năm sau, ông Trump sẽ nhận ra rằng các cam kết mà ông nhận được từ Triều Tiên không đúng cái mà ông mong muốn và với tính cách kỳ quặc của mình, không chắc là ông ấy sẽ hiểu được rằng rõ ràng là ông Kim Jong Un đang điều khiển cuộc chơi, chứ không phải là ngược lại” - ông Bruno Tertrais cho biết.
Trên thực tế, khác với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, các nước châu Âu không phải là các bên can dự trực tiếp và chịu ảnh hưởng nhiều từ vấn đề Triều Tiên nên đối với các nước này, thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore mang đến sự quan tâm theo một khía cạnh khác, đó là cách ông Donald Trump đưa ra các ưu tiên về chính sách đối ngoại và an ninh của nước Mỹ trong thời gian tới ra sao.
Điều này rất quan trọng với châu Âu, trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh truyền thống liên Đại Tây Dương đang có những rạn nứt nghiêm trọng trong thời gian qua, như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hay việc ông Donald Trump quyết định đánh thuế cao vào các mặt hàng nhôm, thép từ châu Âu, đồng thời liên tục đưa ra các lời đe doạ chiến tranh thương mại.
Vì lí do đó, nhiều chính trị gia và học giả châu Âu đang tranh luận rất nhiều về việc phải chăng nước Mỹ đã thực sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại và an ninh của mình và đã không còn coi các đồng minh châu Âu như ưu tiên hàng đầu như trước kia.
Theo VOV