Thương mại điện tử được dự đoán sẽ là kênh bán lẻ toàn cầu phát triển nhanh nhất trong vài năm tới. Ảnh: Getty
Các nhà phân tích dự đoán rằng, thương mại điện tử sẽ là kênh bán lẻ toàn cầu phát triển nhanh nhất trong vài năm tới, trong đó Đông Nam Á dường như sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này trong tương lai gần.
Thị trường thương mại điện tử của khu vực dự kiến đạt 102 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn nhiều so với con số 23 tỷ USD trong năm ngoái, được thúc đẩy bởi 350 triệu người dùng Internet trong khu vực và với sự tăng trưởng lớn của Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Ở Singapore, với tốc độ thâm nhập Internet cao, quốc gia này xếp hạng cao thứ 2 ở châu Á-Thái Bình Dương trong việc mua hàng ở nước ngoài và là thị trường dịch vụ lớn thứ hai về giá trị. Chính cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cùng với vị thế là trung tâm tài chính và kinh doanh của Singapore đã thu hút các doanh nghiệp Internet thành lập trụ sở tại đây, mang lại 16 tỷ USD đầu tư và giúp người dân dễ dàng truy cập các dịch vụ thương mại điện tử từ các đại gia như Lazada, Grab và Shopee.
Từ khởi đầu khiêm tốn vào những năm 1990, thương mại điện tử đã có tác động đáng kể đến thế giới thực, với sự tiện lợi và thay đổi lựa chọn cách thức bán và mua sản phẩm và dịch vụ của người tiêu dùng
Ngày nay, chúng ta đang ở thời điểm chuyển tiếp, khi các công nghệ tiên tiến và tốc độ số hóa ngày càng tăng sẽ thay đổi căn bản cách thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và của chính phủ trong việc mua bán hàng hóa, và thậm chí cả cách thức tiến hành các giao dịch thương mại điện tử.
Theo CNA, với điện thoại thông minh ngày càng tốt hơn và kết nối Internet rẻ hơn, nhanh hơn giúp thị trường thương mại điện tử ngày càng thuận tiện khi có thể truy cập tốt hơn và nhanh hơn vào các dịch vụ theo yêu cầu và "nhạy cảm" với thời gian. Điều đó cũng có nghĩa là rất nhiều nhiệm vụ tốn thời gian như tìm kiếm và mua nhu yếu phẩm, vật tư có thể được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất và cải thiện cuộc sống.
Năm 2019, xu hướng chính được kỳ vọng là các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử sẽ mở rộng thị trường trực tuyến của họ để cung cấp cho người mua nhiều danh mục sản phẩm và dịch vụ hơn, mở rộng ra ngoài các doanh nghiệp cốt lõi truyền thống và cố gắng cung cấp dịch vụ mua hàng trực tuyến chỉ qua một cửa.
Có thể xem Grab và Go-Jek là những ví dụ điển hình cho sự phát triển của thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Hai dịch vụ này đang cạnh tranh để trở thành siêu ứng dụng trong khu vực, với cả hai khởi đầu chỉ là những dịch vụ vận tải nhưng đến nay đã cung cấp dịch vụ giao thức ăn, thanh toán, thậm chí bán các loại vé và hàng tạp hóa.
Bảo Nghi (Lược dịch từ CNA)