Người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng yêu thích việc mua sắm trên các nền tảng trực tuyến. Ảnh: Getty
Trong 3 năm qua, thương mại điện tử là lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế kỹ thuật số khi chiếm gần 11 tỷ USD trong tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2017 và dự đoán sẽ đạt hơn 23 tỷ USD vào cuối năm 2018. Để so sánh, quy mô của ngành này chỉ đạt 5,5 tỷ USD năm 2015 và từ đó đến nay đã tăng gấp 4 lần, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 62% (CAGR) trong giai đoạn này. Báo cáo cũng ước tính rằng, lĩnh vực này sẽ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2025, được thúc đẩy bởi sự tin tưởng của người tiêu dùng ngày càng gia tăng đối với các công ty thương mại điện tử.
Phù hợp với sự phát triển của ngành là 3 “gã khổng lồ” thương mại điện tử lớn nhất khu vực, bao gồm Lazada, Shopee và Tokopedia. Nhìn chung, 3 tập đoàn này đã phát triển hơn 7 lần kể từ năm 2015, vượt qua nhiều công ty khác trong ngành. Bằng cách cung cấp hàng chục triệu sản phẩm, chương trình khuyến mãi thường xuyên, trải nghiệm người dùng di động tốt hơn và mạng lưới hậu cần rộng khắp, họ đã trở thành lực lượng chính đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Đông Nam Á.
Vai trò ngày càng tăng của 3 tên tuổi hàng đầu này cũng được thể hiện thông qua các chỉ số tương tác quan trọng khác. Điều này xác nhận một xu hướng cho thấy sự hợp nhất ngày càng tăng của các sở thích của người tiêu dùng. Với cơ sở người dùng và cơ sở người bán lớn trên các nền tảng tương ứng, họ đã trực tiếp đóng góp vào sự gia tăng nhanh chóng về tính phổ biến của thương mại điện tử trong các nước Đông Nam Á.
Indonesia là nước dẫn đầu trong sự phát triển lành mạnh của ngành thương mại điện tử ở ASEAN, đạt 12 tỷ USD vào năm 2018 và chiếm hơn một nửa số giao dịch trong khu vực. Thái Lan và Việt Nam cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử khi ước đạt gần 3 tỷ USD trong năm nay. Trên khắp các thị trường ở Đông Nam Á, người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào các công ty thương mại điện tử để mua các sản phẩm đa dạng từ hàng tạp hóa cho đến các thiết bị di động hay máy tính.
Theo báo cáo, khi lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, các cơ sở cạnh tranh và yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng đồng thời cũng sẽ thay đổi. Các công ty thương mại điện tử sẽ ngày càng tranh giành vị trí dẫn đầu trong từng thị trường, trong đó Indonesia được xem là sân chơi chính cho các công ty khu vực và địa phương.
Do đó, chúng ta cũng sẽ được thấy sự mở rộng diễn ra khắp nơi, từ các thành phố lớn đến các thành phố cấp hai và khu vực nông thôn, nơi mà sự thâm nhập của thương mại điện tử hiện nay vẫn còn thấp. Những địa điểm này mang lại triển vọng tăng trưởng cao nhất về mặt mở rộng cơ sở người dùng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các hạnh mục thu hút nhiều sự quan tâm trong ngành này như "Trang phục", "Sức khỏe & Làm đẹp"… cũng sẽ có nhiều cạnh tranh khi các nhà phát triển thương mại điện tử ngày càng đầu tư vào các phân đoạn này.
Nền tảng ổn định
Các chuyên gia phân tích cho rằng, xét về mặt tài chính doanh nghiệp trong dài hạn, các công ty thương mại điện tử có rất ít lo lắng.
Nền kinh tế internet ở Đông Nam Á đã trải qua sự tăng trưởng đáng kể trong việc huy động vốn suốt 4 năm qua. Trong năm 2015, tài trợ của các nhà đầu tư mạo hiểm, cổ phần tư nhân và các nhà đầu tư doanh nghiệp vượt mốc 1 tỷ USD. Sau đó, các khoản đầu tư tiếp tục tăng ở tốc độ theo cấp số nhân.
Các nhà đầu tư thương mại điện tử đã nhận được số tiền lớn từ các nhà đầu tư, tăng 8 tỷ USD kể từ năm 2016, bao gồm các khoản đầu tư hàng tỷ USD ở Lazada từ công ty mẹ là Alibaba, cũng như các vòng gây quỹ của Tập đoàn Sea sở hữu thương hiệu Shopee.
Alibaba gần đây đã tăng cổ phần của mình tại Lazada từ 51% lên 83%, đồng thời đầu tư 1,1 tỷ USD vào công ty thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia là Tokopedia – một đối thủ của Lazada. Tập đoàn Sea, trước đó là một công ty tư nhân, cũng đã lên sàn chứng khoán để để khai thác vốn từ thị trường này, cùng với nhiều nỗ lực khác để tăng 884 triệu USD sau khi được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York.
Thương mại điện tử chắc chắn là một lĩnh vực thú vị khi nền kinh tế internet ở Đông Nam Á tiếp tục mở rộng với tốc độ chóng mặt. Với mục tiêu xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, các công ty thương mại điện tử sẽ ngày càng gia tăng khả năng kiếm tiền từ các thương hiệu và người bán hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như phân tích, hậu cần và tiếp thị. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh thú vị mà từ đó, người tiêu dùng có thể thu được nhiều lợi ích.
Tố Quyên (Lược dịch từ The ASEAN Post)