ClockThứ Ba, 25/10/2016 14:24

Tổng thống Duterte thăm Nhật: Xoa dịu sự tức giận của nước chủ nhà

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến Nhật Bản hết sức giận dữ khi quyết định lùi kế hoạch thăm nước này đầu tiên để sang Trung Quốc trước.

Đặc phái viên của Philippines đến Trung Quốc bàn về Biển ĐôngMối quan hệ đồng minh khó bỏ

Theo tờ Quatz, lẽ ra, chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 25-27/10 phải diễn ra trước chuyến thăm Trung Quốc. Trước khi ông Duterte bất ngờ quyết định sang thăm Trung Quốc trước bất chấp kế hoạch ban đầu, người dân Nhật Bản đã “rất vui mừng vì họ sẽ là quốc gia đầu tiên ngoài các nước thành viên ASEAN mà ông Duterte đến thăm”.

tong thong duterte tham nhat xoa diu su tuc gian cua nuoc chu nha hinh 1
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

Sự quay đầu đầy bất ngờ

Điều này là bởi, Nhật Bản là quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Philippines và Philippines là một trong những điểm đến được các doanh nghiệp Nhật Bản “để mắt đến” trong chiến lược “Trung Quốc cộng 1” nhằm đối phó với giá nhân công tăng vọt tại Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines.

Tuy nhiên, niềm vui của Nhật Bản nhanh chóng “tắt ngấm” khi ông Duterte quyết định thăm Trung Quốc trước. Theo chuyên gia phân tích khoa học chính trị Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle của Philippines, “Nhật Bản đã hết sức thất vọng và cảm thấy bị coi thường”.

“Việc ông Duterte chọn thăm Trung Quốc trước khi đến Mỹ và Nhật Bản nói lên rất nhiều điều về thứ tự ưu tiên trong chiến lược của ông Duterte. Ý nghĩa biểu tượng và tầm quan trọng của việc này là rất đáng quan tâm”, ông Heydarian nhận định.

Trong những năm vừa qua, Philippines luôn được coi là quốc gia có tầm quan trọng mang tính quyết định trong việc chống lại tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2013, Philippines đã quyết định kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Hà Lan sau khi Trung Quốc ngang nhiên chiếm bãi cạn Scarborough của nước này và ngăn chặn Philippines khai thác các tài nguyên tại đây.

Tuy nhiên, vào thời điểm PCA công bố phán quyết liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông hồi giữa tháng 7 vừa qua, ông Duterte đã lên nhậm chức được 45 ngày.

Kể từ đó, Tổng thống Philippines tỏ ra không mấy mặn mà trong việc này. Thay vì thế, tuần trước, ông Duterte từng quyên bố, phán quyết do PCA công bố “chả khác gì một tờ giấy lộn” và nhấn mạnh ông “muốn chia tay với Mỹ” trong khi lại hành xử như một một cách hết sức nhã nhặn và lịch thiệp khi Trung Quốc “trải thảm đỏ đón ông”.

Nhật Bản khó kéo được Philippines trở lại với mình?

Trong những năm qua, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông thông qua việc rầm rộ cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều công trình quân sự trên các đảo đó.

Hành động của Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực- trong đó có Nhật Bản- lên án mạnh mẽ. Đối với Nhật Bản, Biển Đông chính là tuyến đường biển quan trọng để nước này nhập khẩu dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư và các sản phẩm khác từ khắp nơi trên thế giới.

Là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản rất quan tâm đến việc giữ cho tuyến đường biển qua Biển Đông luôn được thông suốt và không bị cản trở và không muốn Trung Quốc biến nó thành “cái ao nhà”, như nhiều chuyên gia đã cảnh báo.

Chính vì thế, Nhật Bản có nhiều lý do để kéo ông Duterte lại phía mình dù Tổng thống Philippines đã làm phật lòng Nhật Bản. Về phần mình, chuyến thăm Tokyo lần này của ông Duterte được cho là nhằm kêu gọi Nhật Bản viện trợ để phát triển đảo Mindanao- hòn đảo lớn phía Nam của Philippines, nơi ông Duterte từng là Thị trưởng Davao trong nhiều năm trước khi trở thành Tổng thống.

Tuy nhiên, đây có thể là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với Nhật Bản bởi dù Nhật Bản có làm gì thì mối quan hệ giữa ông Duterte và Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, khi ông Duterte mời Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Philippines “vào một thời điểm thích hợp”, ông Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top