ClockThứ Tư, 07/09/2016 09:11

Tổng thống Obama: Mỹ sẽ can dự dài lâu với châu Á

Được cho là thực hiện chuyến công du cuối cùng đến châu Á, Tổng thống Obama không chỉ chào từ biệt các đồng minh trong hội nghị ở Lào mà còn khẳng định cam kết dài lâu của nước Mỹ với khu vực.

 

Tổng thống Obama hứa Mỹ sẽ can dự dài lâu với châu Á 
Tổng thống Obama chào cử tọa sau khi kết thúc bài phát biểu ở Vientiane chiều 6/9 - Ảnh: Reuters

Ngày 6/9, trong chuyến công du châu Á cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama tái khẳng định sự can dự của Washington với khu vực này sẽ được duy trì kể cả sau khi ông rời Nhà Trắng.

Phát biểu tại thủ đô Vientiane của Lào, Tổng thống Obama nhấn mạnh những lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phản ánh các lợi ích cơ bản của quốc gia.

Ông Obama tóm tắt chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh ưu tiên chủ chốt trong chính sách ngoại giao của mình trên cương vị Tổng thống là nhằm làm sâu sắc mối quan hệ với các quốc gia cũng như người dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông chủ Nhà Trắng cam kết duy trì việc tăng cường hợp tác quân sự với các nước như Philippines, Singapore và Ấn Độ cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại với khu vực.

Ông cũng đã mang đến "món quà" 90 triệu USD cho Lào là khoản trợ cấp cho công tác rà phá bom mìn và trợ giúp các nạn nhân của bom mìn còn sót lại, chủ yếu của lực lượng Mỹ thả xuống đất Lào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Ngày 7/9, ông Obama sẽ đến thăm một trung tâm trợ giúp các nạn nhân bom mìn tại thủ đô Vientiane của Lào.Ông Obama khẳng định: "Chiếu theo sự can dự lịch sử, tôi nghĩ rằng nước Mỹ phải có trách nhiệm đạo đức trong việc giúp Lào chữa lành vết thương này".

Theo ước tính, Lào đã hứng chịu đến hơn 2 triệu tấn bom mìn và còn rất nhiều chưa phát nổ và trở thành mối đe dọa thường trực cho người dân.

Cùng ngày, phát biểu tại một hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo khu vực ở Lào, ông Obama cảnh báo CHDCND Triều Tiên rằng những vụ thử vũ khí mang tính khiêu khích sẽ càng làm cho nước này bị cô lập hơn.

Theo Reuters, Tổng thống Obama cũng vừa hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bên lề hội nghị liên quan đến vấn đề thử các loại tên lửa liên tục của Triều Tiên. 

Tổng thống Obama hứa Mỹ sẽ can dự dài lâu với châu Á 
Tổng thống Obama bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (phải) sau hội đàm song phương tại Vientiane - Ảnh: Reuters

Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa từ đầu năm đến nay bất chấp các lệnh trừng phạt do LHQ áp đặt sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi tháng 1.

Mới đây nhất, ngày 5/9, Triều Tiên đã phóng thử 3 quả tên lửa đạn đạo ra vùng biển Nhật Bản, trong bối cảnh lãnh đạo các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang nhóm họp tại Hàng Châu (Trung Quốc). 

Với chuyến thăm tới Vientiane dự hội nghị với các đối tác ASEAN, tổng thống Barack Obama trở thành nguyên thủ đầu tiên của Mỹ tới Lào.

Tại đây, ông sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á, có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit cùng giới chức chủ chốt khác của nước chủ nhà nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về kinh tế, phát triển, ngoại giao nhân dân và các lĩnh vực khác

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top