Nhiều trẻ em ở Nigeria bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở bang Borno, đông bắc Nigeria được cho là tồi tệ nhất trên thế giới trong thời điểm này, với 4,5 triệu người cần được hỗ trợ, trong đó 1 triệu người có nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo.
"Chúng tôi không tìm được lời nào để có thể mô tả được hết tầm quan trọng của vấn đề", ông Arjan de Wagt - giám đốc dinh dưỡng của Unicef ở Nigeria cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Abuja. "Tôi đã đối chiếu với các đồng nghiệp ở New York và được biết, không có bất cứ nơi nào khác trên thế giới mà người dân phải đối mặt với tình huống như vậy".
Những nhân viên cứu trợ đầu tiên đã bắt đầu tiếp cận được một số khu vực ở phía đông bắc Nigeria từ hồi tháng 4/2016, sau khi lực lượng chính phủ đẩy lùi phiến quân Hồi giáo Boko Haram ra khỏi nhiều nơi mà chúng chiếm đóng. Kể từ đó, mỗi thông tin nhận được từ khu vực này càng làm tăng thêm tính nghiêm trọng của tình hình, Giám đốc De Wagt cho biết.
Lực lượng Boko Haram xuất hiện trong một chiến dịch bạo lực từ năm 2009, nhằm áp đặt các phiên bản về luật Hồi giáo của chúng ở quốc gia đông dân nhất châu Phi với khoảng 180 triệu người này. Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn và hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di tản.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu người vẫn đang bị chia cắt ở phía bắc Borno, nơi quân nổi dậy đang hoạt động, đe doạ đến sự an toàn cho những người hoạt động nhân đạo.
"Mọi người đang hoàn toàn bị cắt đứt khỏi các tuyến đường thương mại, không nhận được viện trợ và không thể trồng trọt được gì," ông De Wagt nói, cho biết thêm rằng "1/5 trẻ em suy dinh dưỡng có nguy cơ đối mặt với cái chết".
"Đối với những đứa trẻ ở Borno, rủi ro cao hơn nhiều, vì chúng không có thức ăn thích hợp và không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là lý do tại sao dịch bệnh bại liệt bùng phát tại đây".
Số lượng những người đối mặt với mức suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất trong 5 cấp độ theo dõi đang đều đặn tăng lên kể từ đầu năm, với ít nhất 1 triệu người "ở mức độ nghiêm trọng cấp 4" và 75.000 người khác phải đối mặt với nạn đói hoàn toàn - tình trạng xấu nhất có thể, các quan chức Unicef cho biết.
Theo đánh giá của tổ chức này, với tình trạng khẩn cấp có thể so sánh với Ethiopia và Somalia khoảng 5 năm trước đây, rõ ràng nơi đây đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt là thực phẩm với các chất dinh dưỡng cho những người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.
Tố Quyên (Lược dịch từ Independent & SCMP)