Bangkok chìm trong khói mù do ô nhiễm suốt nhiều tuần qua. Ảnh: EPA
Ô nhiễm tại các thành phố lớn ở châu Á đã trở thành một vấn đề lớn trong những năm gần đây - đến mức người dân, du khách và các nhà hoạch định chính sách gần như chấp nhận tình trạng này. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng xấu đi của con người và các tình huống đe dọa đến tính mạng buộc chúng ta phải chú ý hơn đến hậu quả của nó.
Có hàng ngàn người Campuchia làm việc tại Bangkok, và không khí ô nhiễm đến mức Đại sứ quán Campuchia phải thúc giục những công dân của họ quay về nước để bảo vệ sức khỏe. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Bangkok, nơi ô nhiễm bị ảnh hưởng bởi các chung cư mọc lên như nấm và việc xây dựng các hệ thống giao thông công cộng trong thành phố.
Rõ ràng, việc đô thị hóa các thành phố ở ASEAN và phần còn lại của châu Á đã đi kèm với những tổn thương về nhân lực không thể đo đếm được.
New Delhi và Bắc Kinh từ lâu đã bị ô nhiễm và đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này, trong khi người dân ASEAN cần theo dõi tình hình diễn ra nhưng có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Thực tế, những gì đang xảy ra ở Bangkok trong năm nay đã gây sốc cho người dân trong khu vực, ngay cả khi khói mù có thể không lan sang các nước khác. Về chất lượng không khí, Bangkok hiện được coi là một trong 10 thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Theo truyền thông Thái Lan, lượng hạt mịn nhỏ hơn 2,5 micron (PM2,5) ở một số khu vực, nhất là dọc theo các khu vực ven đường đông đúc nhất, đã vượt quá giới hạn an toàn 185mcg/m3. Và tiếp xúc lâu dài với tình trạng này một cách thường xuyên có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ tử vong do các biến chứng như ung thư hoặc bệnh tim mạch.
Các chỉ tiêu điều chỉnh chỉ số Chất lượng không khí quy định rằng, ô nhiễm không khí gây ra ít hoặc không có rủi ro nếu PM2.5 nằm trong khoảng 0-50mcg/m3. Tuy nhiên, đối với một số chất gây ô nhiễm, có thể có những lo ngại về sức khỏe đối với một số ít những người nhạy cảm bất thường với ô nhiễm không khí trong khoảng 51-100mcg/m3. Trong trường hợp chất lượng không khí trở nên tồi tệ ở mức 151-200mcg/m3, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm hơn và con người có thể bắt đầu cảm thấy bị bệnh.
Không cần phải nói, rõ ràng sự quyến rũ của Thái Lan bị ảnh hưởng rất nhiều khi mọi người buộc phải đeo mặt nạ khi ra đường. Do đó, các thủ đô ASEAN khác cần phải chú ý. Tại Hà Nội, Chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc không khí khác nhau trên toàn thành phố đã có những nơi ở mức cao nguy hiểm. Nồng độ PM2,5 tại Hà Nội gần đây là 400mcg/m3 ở một số khu vực, nhất là dọc theo đường Phạm Văn Đồng sầm uất.
Trong khi đó, với tất cả các công trình đang diễn ra ở Jakarta, chắc chắn đây là cái tên tiếp theo trong danh sách. Truyền thông Indonesia báo cáo rằng, chỉ số PM 2.5 ở thành phố này trong suốt năm 2016 và 2018 đã vượt trên tiêu chuẩn chất lượng không khí do chính quyền Jakarta đặt ra.
Tương tự như vậy, với các thành phố ASSEAN khác đang phát triển, chất lượng không khí cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Bandar Seri Begawan, thủ đô của Brunei với khoảng 100.000 dân, có thể không bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng Phnom Penh (thủ đô của Campuchia), Viêng Chăn (thủ đô của Lào) và Yangon (thủ đô thương mại của Myanmar) nên chuẩn bị cho tương lai khi xu hướng tăng trưởng ở các thủ đô này dự kiến sẽ rất cao trong những năm tới.
Nhìn sơ qua, chất lượng không khí ở hầu hết các thành phố thủ đô của ASEAN ở mức tạm được, nhưng nó có thể trở nên nguy hiểm nếu tất cả chính quyền các thành phố này không chú ý đầy đủ. Theo các chuyên gia, một cách tiếp cận tích hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là điều cần thiết, và một cơ chế khu vực cần được thiết lập ở tất cả các thủ đô của ASEAN trước tiên, để giải quyết vấn đề này.
Tố Quyên (Lược dịch từ Phnompenhpost)