ClockThứ Bảy, 24/12/2016 10:13

Vụ bê bối "Choi-gate" và khoảng trống lãnh đạo ở Hàn Quốc

Năm 2016, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải đối mặt với vụ bê bối chính trị nghiêm trọng, mà báo chí nước này gọi là "Choi-gate," làm tê liệt quốc gia, đẩy “xứ sở ​Kim ​Chi” rơi vào tình trạng khoảng trống lãnh đạo, đồng thời kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn khi chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.

Tái diễn biểu tình phản đối Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hyeTổng thống Hàn Quốc tiếp tục đối mặt trước sức ép của đảng cầm quyềnHàn Quốc công bố điều tra sơ bộ về vụ bê bối thao túng quyền lực

Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, tại Seoul ngày 29/11. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, tại Seoul ngày 29/11. Nguồn: EPA

Bê bối chấn động 

Chấn động chính trị tại Hàn Quốc bắt nguồn từ cáo buộc các quan chức cấp cao Phủ Tổng thống lợi dụng chức quyền, áp đặt các tập đoàn lớn thuộc Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc phải ủng hộ hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận, do bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park, làm chủ.

Dù không giữ chức vụ nào trong chính quyền, nhưng bà Choi bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để can thiệp vào các công việc nhà nước.

Cùng với việc bà Choi bị bắt giữ, hàng loạt quan chức thân cận của Tổng thống Park, trong đó có các cố vấn và thư ký cấp cao, đã phải từ chức hoặc bị sa thải, thậm chí bị bắt giữ để điều tra xét xử. Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, LG, Lotte... đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ liên đới trách nhiệm.

Bê bối lên đến đỉnh điểm khi ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị của phe đối lập luận tội Tổng thống, và bà Park đã lập tức bị đình chỉ chức vụ. Bà còn phải chịu sức ép từ các cuộc biểu tình kéo dài suốt gần 3 tháng qua, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, yêu cầu phải từ chức.

Vụ việc trên là “cú giáng” mới nhất và mạnh nhất đối với chính quyền của Tổng thống Park, vốn gặp nhiều sóng gió trong 4 năm cầm quyền vừa qua. Còn nhớ, thảm họa chìm phà năm 2014 làm 304 người thiệt mạng, hầu hết là thanh thiếu niên trong một chuyến tham quan do trường học tổ chức, đã khiến tổng thống phải 2 lần thay thủ tướng và cải tổ nội các.

Năm 2015, chính quyền của bà Park lại phải căng sức đối phó với dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế...

Nếu như 4 năm trước, bà Park nhậm chức với cam kết cải tổ các công ty gia đình trị lớn nhất nước này, thì nay khi chỉ còn một năm cuối nhiệm kỳ, bà đang phải đối mặt với cáo buộc âm mưu tống tiền hàng triệu USD từ chính các tập đoàn đó.

Đối nội rối ren

Bê bối “Choi-gate” đã đẩy đảng Saenuri cầm quyền vào tình trạng rối loạn và gây xáo trộn chính trường Hàn Quốc khi chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.

Chưa bao giờ một đảng cầm quyền tại Hàn Quốc lại phải chứng kiến cuộc từ chức tập thể như lần này. Nhiều nhân vật lãnh đạo của đảng Saenuri, trong đó có Chủ tịch đảng Lee Jung-hyun, đã từ chức, phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa các phái trong nội bộ đảng.

Phái thân Tổng thống cho rằng trong bối cảnh hiện nay đảng Saenuri cần tìm kiếm sự thống nhất, trong khi phái phản đối lại nhấn mạnh cần tập trung vào việc cải tổ đảng.

Hiện uy tín của cá nhân bà Park cũng như của đảng cầm quyền đang giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo thăm dò mới nhất, mức độ tín nhiệm đối với bà Park chỉ còn 4% so với 63% hồi năm 2013, còn với đảng Saenuri là khoảng 16%.

Ngược lại, uy tín các đảng đối lập không ngừng tăng lên. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ, đảng đối lập chính, đã lên tới gần 40%, mức cao nhất mà đảng này giành được kể từ khi đổi tên hồi cuối năm 2015.

Đáng lo ngại hơn, bê bối hiện nay đặt Hàn Quốc vào tình trạng khoảng trống lãnh đạo. Theo luật định, trong thời gian tối đa 180 ngày bà Park bị xem xét luận tội, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm giữ Quyền Tổng thống.

Tuy nhiên, chính quyền đang chịu sức ép dư luận phải tiến hành bầu cử sớm, trong khi đó các đảng phái vẫn bất đồng về thời điểm tổ chức cuộc bầu cử.

Bất ổn chính trị kéo theo những nguy cơ khiến nền kinh tế sa sút. Trong quý 3, ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, nợ hộ gia đình đã tăng kỷ lục, còn tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao khoảng 8-9%.

Báo cáo được Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố ngày 8/12 nhận định rằng tình hình chính trị hiện nay sẽ tạo ra sức cản lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, nhất là khi nền kinh tế còn phục hồi yếu và nhu cầu trong nước vẫn thấp.

Những bất ổn nội tại, cùng các yếu tố bất lợi của tình hình thế giới, trong đó có ảnh hưởng của việc chuyển giao quyền lực tại Mỹ, hay tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, sẽ gia tăng áp lực sụt giảm đối với tiêu dùng và đầu tư của Hàn Quốc.

Đối ngoại bấp bênh

Giới phân tích đánh giá vụ “Choi-gate” không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của bà Park, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia của Hàn Quốc. Nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế đang có những biến động mạnh mẽ, vụ bê bối sẽ có thể ảnh hưởng tới những chính sách mà Seoul theo đuổi lâu nay.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Tổng thống Park bị đình chỉ chức vụ trước hết có thể làm chệch hướng chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Theo giới phân tích, các chính sách của Seoul nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đảm bảo được sự ủng hộ của dư luận trong nước và sự phối hợp của quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, không có sự hậu thuẫn của dư luận trong nước, sự ủng hộ của quốc tế có thể cũng sẽ không còn. Do đó, các chính sách cứng rắn của bà Park có thể sẽ rơi vào bế tắc.

Một hệ quả khác đã nhìn thấy rõ, đó là những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng tới nỗ lực xích lại gần nhau giữa 3 nước Đông Bắc Á, vốn tồn tại những bất đồng lớn do vấn đề lịch sử và lãnh thổ.

Chính do những rối ren tại Seoul, hội nghị thượng đỉnh Trung​-Nhật​-Hàn, vốn được lên kế hoạch trong tháng 12 này, đã phải hoãn lại vô thời hạn.

Hơn thế nữa, các sáng kiến chiến lược quan trọng, lẽ ra sẽ được triển khai trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của bà Park đang đứng trước nguy cơ bị trì hoãn, thậm chí bị phá sản.

Trong đó phải kể đến kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hay Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ để đối phó với Triều Tiên.

Bên cạnh đó, khoảng trống quyền lực hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc Hàn Quốc chuẩn bị sách lược đối với chính quyền mới tại Mỹ, khi mà Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố xem xét lại chính sách với các đồng minh, trong đó có khả năng rút quân đội Mỹ tại Hàn Quốc về nước, điều khiến Seoul lo ngại.

Bất ổn còn kéo dài

Hiện quá trình xem xét luận tội Tổng thống Park vẫn đang được tiến hành, và việc bà có chính thức bị kết tội và bị phế truất hay không vẫn cần có thời gian. Phe đối lập dù muốn tìm mọi cách để lật đổ tổng thống, nhưng vẫn lo ngại rằng bất ổn chính trị sẽ kéo theo những hệ luỵ khó lường khiến họ không thể quá mạo hiểm.

Tâm lý quan ngại rối ren chính trị kéo theo bất ổn xã hội cũng là mối lo ngại chung hiện nay của các cử tri bảo thủ ở Hàn Quốc.

Dù uy tín đang gia tăng, song phe đối lập cũng cần thời gian để chuẩn bị một khi cuộc bầu cử sớm được ấn định. Theo giới quan sát, hiện đã bắt đầu những cuộc "vận động ngầm" để chuẩn bị cho tiến trình tranh cử.

Một trong những ứng cử viên hàng đầu hiện nay là ông Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, người từng thua bà Park trong cuộc bầu cử năm 2012.

Ông Moon Jae-in từng là một luật sư bảo vệ nhân quyền và là cố vấn cho cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ông dẫn đầu với gần 24% phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là một lựa chọn an toàn, song vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng ông Moon có thể giành chiến thắng.

Trước mắt, ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, ông phải cạnh tranh với ông Lee Jae-Myung, Thị trưởng nổi tiếng thẳng thắn của thành phố Seongnam và được coi là một gương mặt đang nổi lên.

Một nhân vật nữa cũng được coi là có nhiều triển vọng, đó là cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Ông Ban Ki-moon đang bám sát ông Moon Jae-in trong các cuộc thăm dò gần đây và được coi là hy vọng lớn nhất của phe bảo thủ trong việc giành lại quyền kiểm soát Nhà Xanh.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng ông thiếu kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề đối nội, và vấn đề tuổi tác khiến ông khó thu hút được lá phiếu của các cử tri trẻ.

Có thể nói Hàn Quốc đang chìm trong một cuộc khủng hoảng phức hợp cả về chính trị lẫn kinh tế.

Dù Tổng thống Park có phải từ nhiệm hay không, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ làm tê liệt chính quyền Hàn Quốc trong nhiều tháng tới./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường

Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD trong năm 2022, nhưng ngành dệt may Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, bất định của thị trường. Trong sáu tháng đầu năm, doanh nghiệp thắng lớn với đơn hàng dồi dào và rồi tình thế đổi chiều những tháng cuối năm đã đánh bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự linh hoạt ứng phó đã giúp doanh nghiệp vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.

Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường
Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức

Ngày 7/7, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chấp nhận từ chức, sau ba năm cầm quyền đầy khó khăn với nhiều vụ bê bối mà đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của chính Nội các và nhóm nghị sĩ của ông.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức
OECD: ASEAN sẵn sàng phục hồi, nhưng tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2022 và 2023. Nhưng khu vực này cũng phải đối mặt với những bất ổn đáng kể, từ xung đột Ukraine cho đến những rủi ro trước mắt như COVID-19, lạm phát gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng.

OECD ASEAN sẵn sàng phục hồi, nhưng tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro
Đòi hỏi có “luật đảng” là hết sức phi lý

Không thể làm thay đổi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đất nước, các thế lực thù địch chuyển phương thức tung ra luận điệu đòi Đảng phải tuân thủ pháp luật. Nói theo kiểu của chúng là cần phải có “luật Đảng” để khắc chế “vi phạm của nhà cầm quyền”. Đó là một trong những chiêu trò xảo trá trong tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch trước Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đòi hỏi có “luật đảng” là hết sức phi lý
Return to top