Người dân chạy bộ tại thủ đô Doha, Qatar. Ảnh: Reuters
Cụ thể, trong năm 2016, khoảng 1 trên 3 nữ giới và 1 trên 4 nam giới toàn cầu không đạt được mức khuyến nghị về các hoạt động thể chất để giữ gìn sức khỏe: ít nhất 150 phút tập luyện vừa phải, hoặc 75 phút tập luyện mạnh mẽ mỗi tuần.
Theo nghiên cứu được các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện và công bố trên tạp chí The Lancet Global Health, không có sự cải thiện về mức độ hoạt động thể chất toàn cầu kể từ năm 2001.
Đáng chú ý, tỷ lệ thiếu vận động cao nhất trong năm 2016 được ghi nhận ở những người trưởng thành tại Kuwait, vùng Samoa thuộc Mỹ, Saudi Arabia và Iraq, nơi hơn 1/2 số người trưởng thành không hoạt động đủ để bảo vệ sức khỏe.
Trong khi đó, khoảng 40% người trưởng thành ở Mỹ, 36% ở Anh và 14% ở Trung Quốc tập thể dục quá ít để giữ gìn sức khỏe.
Ông Regina Guthold, đồng trưởng nhóm nghiên cứu của WHO nhận định: “Không giống như những nguy cơ sức khỏe toàn cầu khác, mức độ hoạt động thể chất không đầy đủ không có dấu hiệu sụt giảm trên toàn thế giới, trên 1/4 số người trưởng thành không đạt được mức độ hoạt động thể chất được khuyến nghị để có một sức khỏe tốt”.
WHO cho biết, hoạt động thể chất không đầy đủ là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong sớm trên toàn thế giới, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (NCD) như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.
Bằng cách trở nên năng động hơn, mọi người có thể dễ dàng có được những lợi ích như cải thiện cơ bắp và tim mạch, sức khỏe xương tốt hơn, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, trầm cảm và nhiều loại ung thư khác nhau.
Cũng theo nghiên cứu nói trên, mức độ hoạt động thể chất thấp xuất hiện nhiều hơn gấp đôi ở các quốc gia có thu nhập cao, so với các quốc gia nghèo hơn, tỷ lệ này tăng 5% ở các quốc gia giàu có hơn từ năm 2001-2016.
Ở những quốc gia giàu hơn, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang các công việc ít vận động hơn, cũng như những hình thức giải trí và đi lại ít vận động có thể giải thích cho mức độ không vận động cao hơn. Trong khi đó, tại những quốc gia kém phát triển, người dân có xu hướng vận động nhiều hơn trong công việc và đi lại.
Qua đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi các Chính phủ lưu ý những thay đổi này và triển khai các cơ sở hạ tầng thúc đẩy việc đi bộ và đi xe đạp, cũng như những môn thể thao và giải trí năng động.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)