31/5 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới Không Thuốc lá. Ảnh: Amarujala
Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá hôm nay (31/5), WHO cho biết, có khoảng 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do việc sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ, trong đó bao gồm cả 890.000 ca tử vong do phơi nhiễm khói thuốc gián tiếp.
Năm 2005, WHO đã ký một hiệp ước mang tính bước ngoặt, hiện đã được 180 quốc gia phê chuẩn, kêu gọi cấm sử dụng quảng cáo và tài trợ cho thuốc lá, đồng thời áp các loại thuế để ngăn cản bớt việc sử dụng thuốc lá.
Ông Douglas Bettcher, Giám đốc bộ phận phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm của WHO cho biết, đã có một số tiến bộ được thực hiện khiến "tỷ lệ hút thuốc lá trên toàn thế giới giảm từ 27% năm 2000 xuống còn 20% trong năm 2016". Tuy nhiên, những bước tiến trong việc loại bỏ thói quen này diễn ra không đồng đều, khi các nước công nghiệp tiến bộ nhanh hơn các nước đang phát triển.
Cụ thể, châu Mỹ được cho là khu vực duy nhất có thể đáp ứng mục tiêu giảm 30% lượng thuốc lá sử dụng vào năm 2025 so với năm 2010, cho cả nam và nữ. Trong khi đó, Mỹ hiện không đi đúng hướng, bị sa lầy trong các vụ kiện tụng về các cảnh báo trên bao bì thuốc lá và thiếu một số loại thuế, ông Vinayak Prasad thuộc đơn vị kiểm soát thuốc lá của WHO cho biết. Các nước ở Tây Âu đang rơi vào "bế tắc", và thậm chí việc sử dụng thuốc lá ở Trung Đông còn có xu hướng gia tăng.
Thiếu nhận thức đúng đắn
Theo Báo cáo toàn cầu của WHO về xu hướng tỷ lệ hút thuốc lá năm 2000-2025, việc thiếu nhận thức về những rủi ro của việc sử dụng thuốc lá là tình trạng rất phổ biến ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ví dụ như ở Trung Quốc, hơn 6 trong số 10 người không biết rằng hút thuốc có thể gây ra cơn đau tim. Trong khi đó, ở Ấn Độ và Indonesia, hơn 50% số người trưởng thành không biết rằng thói quen này có thể dẫn đến đột quỵ.
Dữ liệu mới nhất từ báo cáo của WHO cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ có số người hút thuốc cao nhất thế giới, chiếm tương ứng 307 triệu và 106 triệu người, trong tổng số 1,1 tỷ người hút thuốc lá trên thế giới hiện nay, tiếp theo sau đó là Indonesia với 74 triệu người. Ấn Độ cũng có 200 triệu trong số 367 triệu người sử dụng thuốc lá không khói trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thuốc lá là nguyên nhân của hơn 7 triệu ca tử vong/năm và nhiều người cũng không biết rằng nó làm tăng nguy cơ ung thư.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt hơn
Trong một nỗ lực để thúc đẩy sức khỏe tim mạch, WHO muốn mỗi một nước trong tổng số 194 quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Những biện pháp này bao gồm việc phân định rõ khu vực trong nhà và nơi làm việc không có khói thuốc và bao bì thuốc lá phải mang những cảnh báo thể hiện những rủi ro về sức khỏe cho người dùng thấy rõ.
Tiến sĩ Douglas Bettcher (WHO) cho biết, Ireland và Uruguay là những nước đã đạt được mức kiểm soát thuốc lá cao nhất, và kể từ năm 2007, số người trên thế giới được hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát thuốc lá này đã tăng hơn gấp bốn lần.
Bảo Nghi (Lược dịch từ UN & CNA)