|
Một diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá tại tiểu bang Rondonia, Brazil. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trước đó, hơn 140 quốc gia, đại diện cho phần lớn diện tích rừng trên thế giới, đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 ở Glasgow, nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất và suy thoái rừng vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, nạn phá rừng trên toàn thế giới đã tăng 4% vào năm 2022 so với năm 2021, khi một diện tích khoảng 66.000 km2 rừng đã bị phá hủy, báo cáo Đánh giá Tuyên bố Rừng thường niên cho biết.
Qua đó, bà Erin Matson, cố vấn cấp cao của Tổ chức môi trường Climate Focus nhận định: “Các khu rừng trên thế giới đang gặp khủng hoảng. Cơ hội để đạt được tiến bộ đang trôi qua”.
Được biết, báo cáo nói trên được thực hiện bởi một liên minh gồm các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức nghiên cứu, nhằm đánh giá tiến độ hướng tới các cam kết loại bỏ nạn phá rừng vào năm 2030; trong đó bao gồm Cam kết Glasgow và Tuyên bố New York về Rừng năm 2014.
Cũng theo nghiên cứu này, những nỗ lực để bảo tồn các khu rừng nhiệt đới già cỗi, đang chệch hướng 33%, với 4,1 triệu ha rừng bị mất đi hồi năm 2022.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, các nhà nghiên cứu tham gia báo cáo này nhấn mạnh, nguồn quỹ 2,2 tỷ USD thường niên được chuyển cho các dự án bảo vệ rừng hàng năm chỉ là một phần nhỏ so với khoản đầu tư cần thiết.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng có cái nhìn rộng hơn nhằm phân tích tình trạng suy thoái rừng, trong đó một nhà nghiên cứu ước tính diện tích rừng bị suy thoái sẽ lớn hơn nhiều so với diện tích rừng bị phá trên toàn cầu. Theo Climate Focus, các yếu tố thúc đẩy suy thoái rừng bao gồm hoạt động khai thác gỗ, chăn thả gia súc và xây dựng đường sá.
Trong khi đó, bà Franziska Haupt, tác giả chính và đối tác quản lý tại Climate Focus lưu ý, một số nơi trên thế giới đang đạt được tiến bộ. Khoảng 50 quốc gia đang trên đà chấm dứt tình trạng mất rừng, trong đó Brazil, Indonesia và Malaysia cho thấy nạn phá rừng đã giảm đáng kể.
“Hy vọng không bị mất đi. Những quốc gia này cho thấy những tấm gương rõ ràng mà các quốc gia khác cần làm theo”, bà Franziska Haupt nói thêm.