Thượng viện nước này đã bác bỏ dự luật Brexit của ông, đặc biệt là điều khoản liên quan với quyền cư trú của công dân Liên minh châu Âu sau khi Anh rời khối.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: BBC
Theo dự luật Brexit được Thủ tướng Boris Johnson đàm phán với Liên minh châu Âu, các công dân Liên minh châu Âu sống tại Anh, ước tính khoảng 3 triệu 600 nghìn người sẽ phải thực hiện một số thủ tục cần thiết để có thể được cấp phép cư trú tại Anh hậu Brexit. Trong trường hợp thành công, họ sẽ được nhận một mã số điện tử. Tuy nhiên, theo Nghị sĩ Caroline Voaden, thuộc đảng Dân chủ tự do đối lập, nếu chỉ quản lý bằng giấy tờ số, mà không có các giấy tờ vật lý, công dân liên minh châu Âu sẽ bị phân biệt đối xử trong quá trình làm các thủ tục hành chính hay mua bán nhà:Với 270 phiếu ủng hộ so với 229 phiếu chống, Thượng viện Anh đã thông qua một sửa đổi cho phép các công dân Liên minh châu Âu được ở lại Anh sau Brexit được cấp giấy tờ cư trú. Sửa đổi do các đảng đối lập đề xuất. Với kết quả này, dự luật Brexit sẽ một lần nữa phải trở lại Hạ viện, dù đã dễ dàng được thông qua trước đó do đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson chiếm thế đa số rộng rãi.
“Đảm bảo quyền của hơn ba triệu công dân Liên minh châu Âu sống tại Anh là vấn đề cơ bản. Đây không chỉ là quyền tự do đi lại, mà là việc đảm bảo quyền cư trú của họ. Công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn là điều tuyệt đối phải đạt được”, Nghị sỹ Voaden nói.
Trong chuyến thăm Anh hồi tuần trước, Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, hiện đảm trách vấn đề Brexit trong Nghị viện châu Âu cũng bày tỏ lo ngại liên quan tới điểm này, cho rằng, đến nay các giấy tờ vật lý vẫn luôn được xem như một sự đảm bảo chắc chắn đối với người nhập cư.
Không chỉ dừng lại ở đó, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ngày 20/1 còn liên tiếp hứng chịu 2 thất bại nữa liên quan đến kế hoạch cho phép các thẩm phán Anh ở những tòa cấp thấp được bác bỏ những phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sau Brexit. Trước đó đã xuất hiện những lo ngại về việc Thủ tướng Boris Johnson có ý định loại bỏ cam kết của người tiền nhiệm Theresa May về việc chuyển tất cả luật Liên minh châu Âu vào luật Anh, đồng nghĩa với việc các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu chỉ có thể bị Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, hoặc Tòa Thượng thẩm xứ Scotland (thuộc Anh) bác bỏ.
Kết quả những cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua tại Thượng viện cũng đồng nghĩa với việc dự luật về Brexit sẽ phải đưa trở lại Hạ viện. Nếu các hạ nghị sĩ từ chối sửa đổi này, dự luật sẽ lại được chuyển lên Thượng viện và vòng quay sẽ tiếp tục cho tới khi một trong các bên nhượng bộ.
Trong ngày hôm nay, Thượng viện Anh cũng sẽ thảo luận về quyết định của chính phủ trong việc tước bỏ điều khoản về hỗ trợ đối với những trẻ em tị nạn khỏi dự thảo thỏa thuận Brexit và kết quả được dự báo cũng không khác gì so với ngày hôm qua.
Dù theo luật pháp Anh, các đề xuất của Thượng viện chỉ mang tính khuyến nghị chứ không có giá trị bắt buộc đối với chính phủ và lộ trình đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/1 tới của ông Johnson sẽ không bị ảnh hưởng, song những thất bại này cũng phần nào ảnh hưởng tới uy tín của nhà lãnh đạo Anh.
Theo VOV