Thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xã giao Phó Chủ tịch điều hành EC

ClockThứ Bảy, 19/02/2022 08:55
Chiều 18/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) đang có chuyến thăm Việt Nam.

'Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU'Xây dựng tương lai Việt Nam - EUViệt Nam đề cao hợp tác LHQ-EU trong giải quyết thách thức toàn cầuNhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư EUEU hoàn tất thỏa thuận đặt mua thêm 300 triệu liều vaccine COVID-19 từ Pfizer và BioNTech

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti tham dự buổi tiếp.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Phó Chủ tịch Frans Timmermans đã chọn Việt Nam để thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến khu vực trong năm 2022 và cũng là thời điểm hai bên kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (2012-2022).

Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tích cực của quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU trong thời gian qua, tập trung vào hợp tác trong các trụ cột chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển và an ninh-quốc phòng.

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2022, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, khôi phục họp trực tiếp các cơ chế hợp tác/đối thoại; đề nghị EU tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, nhất là hàng nông sản, trái cây mùa vụ; trên cơ sở những nỗ lực tích cực và tiến bộ mà Việt Nam đạt được, EU xem xét tích cực gỡ bỏ thẻ vàng về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với hàng thủy sản của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm có hiệu lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn EU và các nước thành viên đã kịp thời hỗ trợ vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế để Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 và tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đề nghị EU và các nước thành viên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực y tế, phát triển ngành công nghiệp dược, hỗ trợ cung cấp các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, thuốc điều trị COVID-19.

Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam sẽ tích cực sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan; xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể và rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng, công lý; xây dựng lộ trình nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao EU đóng vai trò đi đầu trong giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu và coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong ba trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021-2027; đồng thời tin tưởng các chiến lược, chính sách của EU về khí hậu sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai bên, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị EU và các nước thành viên, doanh nghiệp, tổ chức tài chính châu Âu hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, nhân lực, năng lực quản trị, tài chính để thực hiện các cam kết, các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường; nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam tương tự mô hình mà EU cùng một số nước châu Âu đã ký kết với Nam Phi.

Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ của Việt Nam; khẳng định Liên minh châu Âu coi trọng quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, đặc biệt mong muốn tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực ưu tiên về thương mại-đầu tư, phát triển bền vững, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, năng lượng sạch...; đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị COP26; khẳng định EU cùng các nước thành viên mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, giúp Việt Nam triển khai thành công các cam kết tại COP26, ủng hộ Việt Nam tự chủ về năng lượng giống như Việt Nam đang tự chủ về kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch Frans Timmermans đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982; nhất trí thúc đẩy hợp tác thông qua các cơ chế ASEM, Đối tác chiến lược ASEAN-EU nhằm nắm bắt các cơ hội hợp tác cũng như giải quyết các thách thức chung, đặc biệt về môi trường và biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kết nối hạ tầng, tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, thúc đẩy bình đẳng giới...

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen sớm thăm Việt Nam.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Return to top