Thế giới

Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 có thể dẫn đến đột biến virus

ClockThứ Ba, 26/09/2023 08:41
TTH.VN - Hôm qua (25/9), các nhà nghiên cứu cho biết một loại thuốc điều trị COVID-19 được sử dụng rộng rãi trên thế giới có thể đã gây ra đột biến ở virus, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi này dẫn đến các biến thể nguy hiểm hơn.

WHO khuyến nghị về việc sử dụng thuốc Molnupiravir chống COVID-19Hội đồng chuyên gia FDA khuyến nghị sử dụng thuốc Molnupiravir của Merck trong điều trị COVID-19Điều trị COVID-19 tại nhà: Cẩn trọng với thuốc MolnupiravirAnh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc điều trị COVID-19 của Merck

Thuốc kháng virus Molnupiravir là một trong những phương pháp điều trị sớm nhất được triển khai trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: SH/Dantri 

Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck là một trong những phương pháp điều trị sớm nhất được triển khai trong thời kỳ đại dịch nhằm ngăn chặn tình trạng COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn ở những người dễ bị tổn thương.

Loại thuốc này được dùng bằng đường uống trong thời gian 5 ngày, hoạt động chủ yếu bằng cách tạo ra các đột biến ở virus với mục tiêu làm suy yếu và tiêu diệt virus.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới do Vương quốc Anh dẫn đầu đã chỉ ra rằng Molnupiravir “có thể tạo ra các loại virus đột biến đáng kể mà chúng vẫn có thể tồn tại”, tác giả chính của nghiên cứu Theo Sanderson cho biết. Mặc dù vậy, nhà di truyền học Sanderson nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy “Molnupiravir đến nay đã tạo ra nhiều loại virus dễ lây truyền hơn hoặc độc hại hơn”.

Ông nói thêm rằng không có biến thể nào lan rộng khắp thế giới là do thuốc.

Tuy nhiên, “rất khó để dự đoán liệu việc điều trị bằng Molnupiravir có khả năng dẫn đến một biến thể mới lưu hành rộng rãi mà mọi người không có khả năng miễn dịch trước đó hay không”.

Với nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc cơ sở dữ liệu của hơn 15 triệu trình tự bộ gen của SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu này để theo dõi những thay đổi về cách thức virus biến đổi trong đại dịch, tìm ra một “dấu hiệu đột biến” cụ thể ở những bệnh nhân mà họ tin rằng có liên quan đến Molnupiravir.

Nghiên cứu cho thấy vào năm 2022, khi loại thuốc này được kê đơn với số lượng lớn, số bệnh nhân có dấu hiệu mắc virus đột biến đã tăng lên đáng kể.

Dấu hiệu này thường được tìm thấy nhiều hơn ở các quốc gia nơi thuốc Molnupiravir được kê đơn rộng rãi, chẳng hạn như Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản. Trong khi ở những quốc gia mà loại thuốc này không được chấp thuận, bao gồm Canada và Pháp, điều đó hiếm hơn.

Ông Sanderson cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số bằng chứng độc lập để xác định một cách chắc chắn rằng Molnupiravir tạo ra dấu hiệu đột biến nói trên. Các bằng chứng đó bao gồm một phân tích riêng về dữ liệu điều trị ở Anh, cho thấy hơn 30% các trường hợp có “dấu hiệu đột biến” liên quan là ở những người đã dùng Molnupiravir. Tuy nhiên, chỉ 0,04% người dân ở Anh được kê đơn thuốc trong năm 2022.

Cũng theo nhà di truyền học Sanderson, các loại thuốc điều trị COVID khác không hoạt động theo cách tương tự nên sẽ không gây ra những loại đột biến này.

Nhà virus học Stephen Griffin tại Đại học Leeds của Anh nhận định rằng đây là một “nghiên cứu cực kỳ quan trọng và được tiến hành tốt”. Một nhà virus học khác tại Đại học Nottingham cũng cho rằng nghiên cứu này thể hiện “mối liên hệ chặt chẽ” giữa Molnupiravir và sự lây lan hạn chế, không thường xuyên của các bộ gen đột biến cao.

Dù vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng Molnupiravir không gây nguy hiểm cho những người đang dùng thuốc và cũng không kêu gọi loại bỏ hoàn toàn loại thuốc này.

Theo ông Griffin, Molnupiravir hiện đang được sử dụng “ngày càng ít” vì hiệu quả của nó đã giảm dần đối với những người được tiêm chủng nhưng không có nguy cơ mắc bệnh.

Ông nói thêm, mặc dù nghiên cứu hiện tại có thể dẫn đến việc Molnupiravir không còn được kê đơn nữa, nhưng “không nên loại bỏ nó và loại thuốc này vẫn có thể có giá trị nếu chúng ta sử dụng nó trong các dạng kết hợp thuốc”.

Doanh số bán Molnupiravir, được bán dưới nhãn hiệu Lagevrio, đạt 20 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, theo Merck, doanh số bán hàng đã giảm 82% trong quý II năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đó là lời khuyên từ các chuyên gia trước thông tin tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông (TTS). Người dân cần tìm hiểu, lắng nghe cẩn trọng, khuyến cáo tránh tình trạng đổ xô đi làm các xét nghiệm không cần thiết.

Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Return to top