Thế giới

Thụy Sĩ liên tiếp 13 năm giữ “ngôi vương” trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

ClockThứ Sáu, 29/09/2023 07:58
TTH - Trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Thụy Sĩ đã giữ vững “ngôi vương” trong năm thứ 13 liên tiếp.

Thụy Sĩ là quốc gia thân thiện với doanh nghiệp nhất thế giới năm 2023

 Người dân tham gia một lễ hội ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: Xinhua/TTXVN

Bên cạnh đó, Thụy Điển tăng 1 bậc lên vị trí thứ hai, Mỹ tụt 1 bậc xuống vị trí thứ ba, và Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ tư. Trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương (SEAO), Singapore đã tăng 2 bậc lên vị trí thứ năm, trở thành nền kinh tế dẫn đầu khu vực này trong bảng xếp hạng.

Đáng chú ý, Việt Nam được xếp hạng 46, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời, trong 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 7 nền kinh tế có thu nhập trung bình đã đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo.

Được biết, GII là bảng xếp hạng toàn cầu về các nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất trên thế giới. Năm nay, bảng xếp hạng này đã sử dụng 80 chỉ số để theo dõi những xu hướng đổi mới sáng tạo tại 132 nền kinh tế.

Cũng theo WIPO, trên toàn cầu, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp đã đạt mức cao lịch sử là 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2022, chủ yếu được thúc đẩy bởi các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã thu hút được nguồn tài trợ đáng kể, trong khi những khoảng trống cũng đang xuất hiện ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới và có quy mô nhỏ.

Trong một nhận định liên quan, ông Bruno Lanvin, đồng biên tập của báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu cho biết: “Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, và mức độ hợp tác quốc tế thấp hơn, những xu hướng như vậy có thể cản trở khả năng của các công ty đổi mới sáng tạo trong việc đóng góp đầy đủ vào việc nối lại tăng trưởng bền vững”.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang nói thêm, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2022 tuy ghi nhận sự sụt giảm, thấp hơn 40% so với cùng kỳ một năm trước đó, GII năm 2023 đã cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo hiện vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, và hoạt động đổi mới sáng tạo đó cần tiếp tục chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Ông Daren Tang cũng lưu ý, triển vọng của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đang trở nên không chắc chắn hơn, với lãi suất cao có khả năng sẽ tiếp tục tác động đến việc cấp vốn cho đổi mới sáng tạo trong năm 2023 và năm 2024.

Năm nay, GII cũng bổ sung một chỉ số mới về định giá tổng hợp của các kỳ lân (các công ty khởi nghiệp tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD) của một quốc gia. Xét về giá trị tích lũy của các kỳ lân sau khi tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 5 nền kinh tế là Estonia, Israel, Lithuania, Senegal và Mỹ cùng giữ vị trí đầu tiên.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times & WIPO)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thụy Sĩ là nền kinh tế có sức cạnh tranh nhân tài cao nhất thế giới

Trong năm thứ 11 liên tiếp, Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu danh sách, trở thành nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới trong việc thu hút nhân tài, cho thấy nguồn nhân tài mạnh mẽ và ổn định của nền kinh tế này bất chấp bối cảnh việc làm toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, theo Bảng xếp hạng Nhân tài thế giới IMD năm 2024.

Thụy Sĩ là nền kinh tế có sức cạnh tranh nhân tài cao nhất thế giới
Vòng chung kết EURO 2024:
“Kẻ mạnh” thắng đậm, chờ “ông lớn” ra oai

Ngày thi đấu thứ 2, đêm 15 và rạng sáng 16/6, chiến thắng đậm đà đã thuộc về 3 "kẻ mạnh" là Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Italia. Đêm nay và rạng sáng mai, tiếp tục sẽ có các màn ra mắt của các đội bóng lớn Hà Lan, Đan Mạch và đặc biệt là Anh Quốc.

“Kẻ mạnh” thắng đậm, chờ “ông lớn” ra oai
Return to top