|
Người dân đi bộ trên một con phố ở trung tâm thành phố La Chaux de Fonds, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Bảng xếp hạng này đo lường hiệu suất của các nền kinh tế trên toàn thế giới khi nói đến việc duy trì nguồn nhân tài. Trong năm nay, danh sách này được xây dựng thông qua sự kết hợp giữa các câu trả lời khảo sát và dữ liệu cứng từ Trung tâm Năng lực cạnh tranh thế giới IMD và các nguồn bên ngoài trên khắp 67 nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo, các dữ liệu này được chia thành 3 nhóm, bao gồm: đầu tư và phát triển nhân tài trong nền kinh tế, sức hấp dẫn (mức độ mà một nền kinh tế khai thác nguồn nhân tài ở bên ngoài), và sự sẵn sàng (sự sẵn có của các kỹ năng và năng lực trong nguồn nhân tài). 10 nền kinh tế có sức cạnh tranh về nhân tài nhất trên toàn cầu lần lượt là: Thụy Sĩ, Singapore, Luxembourg, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), và Áo.
Các nền kinh tế châu Âu thống trị bảng xếp hạng năm nay, với 8 trong số 10 vị trí hàng đầu. Hai nền kinh tế ở khu vực châu Á cũng lọt vào danh sách, bao gồm Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) lần lượt đạt vị trí thứ 2 và thứ 9. Thụy Sĩ tiếp tục dẫn đầu về khả năng cạnh tranh nhân tài, đứng đầu danh sách kể từ khi bảng xếp hạng được thành lập hồi năm 2014. Nền kinh tế này chiếm ưu thế về đầu tư và phát triển, cũng như yếu tố sức hấp dẫn. Ngoài ra, nền kinh tế châu Âu này cũng đứng đầu danh sách ở một số tiêu chí như chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục đại học, mức lương tối thiểu theo luật định, khả năng thu hút nhân sự có trình độ cao từ bên ngoài,…
Cũng trong danh sách năm nay, Singapore là một nền kinh tế nổi bật; trong đó, “mức tăng từ vị trí thứ 18 năm 2014 lên vị trí thứ 2 trong năm nay có thể đặt ra thách thức đối với sự thống trị của Thụy Sĩ trong tương lai gần”. Sự gia tăng ổn định của Singapore được thúc đẩy bởi sự sẵn sàng của nguồn nhân tài, được xếp hạng là số 1 trong số các nền kinh tế trong danh sách nói trên. Theo báo cáo, nền kinh tế này cũng cho thấy sự vắng mặt tình trạng phân biệt đối xử ở mức cao nhất, và đứng đầu về tăng trưởng lực lượng lao động, sự sẵn có của lao động có tay nghề, cũng như sự sẵn có của các kỹ năng tài chính.
THANH NGÂN (Lược dịch từ CNBC)