Đại sứ Nguyễn Hoàng Long trao quà lưu niệm cho Tổng Thư ký IMO Kitack Lim tại cuộc gặp. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhận định này được Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Kitack Lim đưa ra tại cuộc gặp ngày 22/11 với Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Nguyễn Hoàng Long tại trụ sở của IMO ở London.
Theo phóng viên TTXVN tại London, ông Kitack Lim hoan nghênh và đánh giá cao sự năng động và những bước phát triển của ngành hàng hải Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua.
Ông cho rằng với quy mô dân số lớn và lực lượng lao động có chất lượng, Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực đóng tàu và cung cấp trang thiết bị tàu biển.
Với vị trí địa lý là quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để hợp tác với các nước có thế mạnh về hàng hải như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết kinh tế biển và vùng ven biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, quốc gia có đường bờ biển dài và các cảng biển nước sâu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có kết nối với hành lang kinh tế Đông-Tây.
Đại sứ đề nghị Tổng Thư ký Kitack Lim hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, biến tiềm năng phát triển hàng hải thành những lợi thế quốc gia, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế và vị thế đất nước.
Tổng thư ký Kitack Lim cho biết hiện ngành vận tải biển đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh rằng IMO sẽ phải nâng cao mục tiêu giảm lượng phát thải carbon để bắt kịp xu hướng quốc tế.
Ông cho rằng, đây là thời điểm để các quốc gia ven biển thúc đẩy toàn diện các hoạt động hàng hải và liên quan đến hàng hải, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trong việc nâng cao năng lực hàng hải cũng như vai trò của Việt Nam trong IMO.
Đặt trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh, IMO là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc với 174 quốc gia thành viên, hoạt động nhằm đảm bảo khung pháp lý và an toàn, an ninh vận tải biển và giao thông hàng hải quốc tế.
Việt Nam trở thành thành viên thứ 126 của IMO vào tháng 6/1984. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia và là thành viên của 24 Công ước và Nghị định thư quan trọng của IMO, bao gồm các Công ước về Tổ chức hàng hải quốc tế; Tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế; Trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu; An toàn sinh mạng trên biển; Lao động Hàng hải...
Các hoạt động hàng hải và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam được IMO đánh giá cao. Năm 2021, ông Trần Văn Khôi, thuyền viên tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, đã vinh dự được IMO trao giải thưởng năm 2021 'Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển' vì đã cứu sống 4 người trong vụ tàu VIETSHIP 01 bị chìm vào tháng 10/2020 tại vùng biển Quảng Trị.
Năm 2020, ông Đinh Xuân Trường, thuyền trưởng tàu SAR 413 thuộc Vietnam MRCC, đã được tổng thư ký IMO gửi thư khen ngợi, ghi nhận sự chuyên nghiệp, quyết tâm và nỗ lực trong vụ việc ngày 20/11/2019 cứu nạn 11 thuyền viên và hành khách của tàu Đại Hải Phát 17 trong điều kiện thời tiết khó khăn.
Theo TTXVN/Vietnam+