Hiện nay xã hội vẫn còn nhiều định kiến khiến những người bị tự kỷ chịu không ít những thiệt thòi trong cuộc sống.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Nesca)
Benjamin Rosloff, 28 tuổi, một nhà làm phim trẻ người Mỹ, dù được các bác sĩ chẩn đoán sống chung với chứng tự kỷ ngay từ khi mới chào đời, song chàng trai trẻ này chưa bao giờ từ bỏ những giấc mơ, mà luôn ý thức không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Những thước phim tài liệu do chính anh sản xuất về nhiều vấn đề toàn cầu, đặc biệt xoay quanh chủ đề người khuyết tật đã được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế.
Rosloff chỉ là số ít trong số những người tự kỷ có may mắn đạt được thành công trong sự nghiệp. Bởi thực tế trên thế giới rất nhiều người trưởng thành khác mắc chứng tự kỷ đang thất nghiệp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thông điệp nhân Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lưu ý rằng khi thế giới đang cùng hợp tác để phục hồi sau đại dịch Covid-19, một trong những mục tiêu chính là cần xây dựng một thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận hơn, công nhận sự đóng góp của tất cả mọi người, bao gồm người khuyết tật. Theo nhà lãnh đạo này, cần xem xét lại hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo những người mắc chứng tự kỷ có đủ khả năng nhận ra tiềm năng của họ.
Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay cũng một lần nữa nhấn mạnh quyền được tôn trọng và bình đẳng của người mắc chứng tự kỷ, đồng thời lên án những hành động lạm dụng, phân biệt đối xử. Chứng tự kỷ không giới hạn ở biên giới một quốc gia hay một khu vực, mà nó trở thành một thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và sự phối hợp hành động của mọi chính phủ. Các quốc gia cần nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục và lao động để giải quyết những nhu cầu đặc biệt của người mắc chứng tự kỷ và nuôi dưỡng tài năng của họ.
Bà Amanda Pritchard, đại diện Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của Anh cho biết: “Tuần lễ nhận thức về tự kỷ nhắc nhở chúng tôi rằng, những người tự kỷ vẫn là đối tượng ưu tiên mạnh mẽ của chúng tôi. Kế hoạch dài hạn của chúng tôi vẫn là hướng tới hiện thực hóa các cam kết, trao cơ hội thực sự vốn sẽ tác động rất nhiều tới cuộc sống của những người tự kỷ và gia đình họ.”
Đến nay khoa học chưa tìm được nguyên nhân và cách chữa trị chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu chứng tự kỷ được phát hiện và điều trị sớm, người tự kỷ được sẻ chia và giúp đỡ từ gia đình và cộng đồng thì họ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cuộc sống, phát triển các năng lực và đóng góp cho xã hội.
Chuyên gia Benny Zee của Trường Đại học Hong Kong - người dẫn đầu nghiên cứu phương pháp sử dụng trí thông minh nhân tạo, hình ảnh quét võng mạc của trẻ dưới 6 tuổi để phát hiện chứng tự kỷ từ những giai đoạn đầu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm, thực tế là những trẻ tự kỷ vẫn lớn lên, vẫn phát triển. Can thiệp sớm thì sẽ giúp mang lại nhiều cơ hội cải thiện hơn, cũng đồng nghĩa với việc mang đến những thành công hơn cho các em.”
Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay, hàng trăm nghìn địa danh, công trình, tòa nhà và cộng đồng trên khắp thế giới sẽ cùng nhau tham gia chiến dịch “Light It Up Blue” (Thắp lên Ánh sáng Xanh) thể hiện sự quan tâm, lòng bao dung, cảm thông với những người tự kỷ. Trên thế giới, hàng loạt các sự kiện và hoạt động giáo dục liên quan đến chứng tự kỷ được phát động trong tháng này, nhằm mục đích lan tỏa thông điệp nhân văn nhận thức về chứng tự kỷ, truyền cảm hứng vì một thế giới hòa nhập, tốt đẹp hơn./.
Theo VOV