Thế giới

Triển vọng và thách thức cho quá trình phục hồi du lịch Đông Nam Á

ClockThứ Năm, 11/06/2020 19:34
TTH - Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 hồi tháng 1/2020, lần đầu tiên nền du lịch Đông Nam Á chứng kiến số lượng du khách Trung Quốc bị cắt giảm nghiêm trọng. Ngay sau đó, số lượng du khách đến từ những khu vực khác cũng xuất hiện tình trạng tương đương khi đại dịch lây lan mạnh đến châu Âu và châu Mỹ vào tháng 3. Kết quả là lượng khách quốc tế của Đông Nam Á đã chạm mốc thấp nhất lịch sử.

Đông Nam Á: Bùng nổ mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục ngay cả sau đại dịchMở cửa lại nền kinh tế là trọng tâm của ASEANCác nhà sản xuất ô tô ASEAN cắt giảm dự báo sản lượng năm 2020

Du lịch Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn, thách thức sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp quốc (UNWTO) dự báo số lượng khách du lịch trên toàn cầu sẽ giảm đến 80% trong năm nay, dẫn đến khoản thất thu tương ứng 1,2 nghìn tỷ USD. Trong đó, du lịch Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Bắc Á.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á được đảm bảo sức khỏe tốt. Trong đó, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia đều ghi nhận số ca nhiễm và tử vong COVID-19 thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan chỉ có 58 trường hợp tử vong do COVID-19, trong khi các ca nhiễm ở Việt Nam và Campuchia đều được chữa khỏi.

Với lợi thế này, các nước sẽ có nhiều thuận lợi hơn để tái phục hồi du lịch quốc tế, khi khách du lịch nước ngoài có xu hướng sẽ chọn đến tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch tại những quốc gia có tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay các chuyến bay quốc tế đến Thái Lan vẫn bị cấm ít nhất là đến hết 30/6, trong khi du lịch Việt Nam có thể sẽ mở cửa từ từ, với đảo Phú Quốc và một số điểm du lịch khác có thể sẽ mở cửa vào cuối tháng này. Song phần lớn du lịch ở các tỉnh, thành khác sẽ tái hoạt động muộn hơn vào thời điểm cuối năm.

Sau khảo sát, báo cáo mới nhất của UNWTO cho thấy, giới chuyên gia hy vọng rằng du lịch quốc tế có thể bắt đầu phục hồi vào năm tới, trong lúc một số khác lại cho rằng sự phục hồi có thể đến sớm hơn vào cuối năm 2020 này.

Nhìn chung, những dự đoán có phần lạc quan này xuất hiện với giả thuyết rằng sẽ không có đợt bùng phát dịch lần thứ hai và du khách sẽ không ngại thực hiện những chuyến du lịch dài ngày.

Để hỗ trợ duy trì du lịch, chính phủ Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều đưa ra nhiều gói kích thích giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch có thể cầm cự trong thời gian dịch bệnh như từ chính sách miễn thuế đến hỗ trợ tài chính.

Song các gói kích thích này nhiều khả năng sẽ tạo ra tình trạng “doanh nghiệp xác sống”, tức những công ty, doanh nghiệp vẫn sẽ sống sót qua đợt dịch, nhưng chắc chắn sẽ phá sản nếu chính phủ chấm dứt trợ cấp.

Thử thách lúc này là sau dịch, tất cả các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cũng cần giới hạn số lượng khách hàng để đảm bảo an toàn, ngăn chặn tình trạng quá tải. Điều này sẽ dẫn đến chi phí lớn hơn cho các công ty.

Trong bối cảnh mà đại dịch ảnh hưởng quá lớn đến nhiều ngành nghề, chi tiêu du khách giảm đi trông thấy, chi phí hoạt động tăng cao đột biến, phải nói rằng ngành du lịch của nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để thay đổi đường lối hoạt động phù hợp hơn. Điều quan trọng lúc này là tìm ra động cơ tăng trưởng mới cho ngành du lịch.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Asia Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top