Rác thải nhựa gây tác động tiêu cực đến con người và sinh vật biển. Ảnh minh hoạ: Hanoimoi
Nhìn chung, Mỹ đã thải ra khoảng 42 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2016 - nhiều hơn gấp đôi so với Trung Quốc và nhiều hơn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cộng lại, báo cáo cho thấy.
Trung bình, mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm, theo sau đó là Anh với 99kg mỗi người mỗi năm, xếp thứ ba là Hàn Quốc với 88kg mỗi người/năm.
Bà Margaret Spring, giám đốc khoa học của Monterey Bay Aquarium, người chủ trì ủy ban các chuyên gia biên soạn báo cáo cho biết: “Sự thành công từ phát minh kỳ diệu của thế kỷ 20 về nhựa cũng đã tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu dường như ở khắp mọi nơi mà chúng ta nhìn thấy”. Bà cũng nhấn mạnh rằng rác thải nhựa toàn cầu là một “cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội” ảnh hưởng đến các cộng đồng nội địa và ven biển, gây ô nhiễm sông, hồ và bãi biển, tạo gánh nặng kinh tế lên cộng đồng, động vật hoang dã nguy cấp và vùng nước bị ô nhiễm mà con người phụ thuộc vào đó để sinh sống.
Báo cáo cũng tiết lộ con số đáng lo ngại khi chỉ trong nửa thế kỷ, sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng gấp 20 lần, từ 20 triệu tấn năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015.
Ban đầu, sự chú ý đến rác thải đại dương chỉ tập trung vào các nguồn từ các loại tàu thuyền và hoạt động biển, nhưng hiện nay người ta đã biết rằng hầu hết nhựa trên đất liền đều có khả năng đổ ra đại dương qua sông suối.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gần một nghìn loài sinh vật biển dễ bị vướng nhựa hoặc ăn phải các hạt vi nhựa, sau đó thông qua lưới thức ăn, chúng sẽ quay trở lại với con người.
Báo cáo cho biết, ước tính mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa, “tương đương với việc đổ một xe chất đầy rác thải nhựa ra đại dương mỗi phút”.
Với tốc độ hiện tại, lượng nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, tương đương gần một nửa tổng trọng lượng cá đánh bắt được từ đại dương mỗi năm.
Một phần nguyên nhân là do trong khi quá trình phát sinh chất thải nhựa trong chất thải rắn đô thị tăng mạnh, đặc biệt là từ năm 1980, thì quy mô tái chế lại không theo kịp, dẫn đến ngày càng nhiều nhựa được đổ vào các bãi chôn lấp.
Báo cáo mới cũng đưa ra một số bước để giải quyết cuộc khủng hoảng - đầu tiên trong số đó là giảm sản lượng nhựa nguyên sinh, chẳng hạn bằng cách thiết lập giới hạn quốc gia.
Giảm lượng nhựa sử dụng một lần
Các biện pháp khác được đề xuất bao gồm sử dụng các vật liệu phân hủy nhanh hơn và dễ tái chế hơn, giảm một số loại nhựa sử dụng một lần và cải thiện việc quản lý rác thải, chẳng hạn như kỹ thuật loại bỏ hạt vi nhựa khỏi nước thải.
Cải tiến công nghệ thu gom rác thải sẽ có thể ngăn chặn nhựa lưu chuyển trong các hệ thống đường thủy, trong khi việc xử lý nhựa trực tiếp ra đại dương cũng là một ưu tiên hàng đầu.
Báo cáo cho biết thêm, thu thập dữ liệu cũng là một ưu tiên quan trọng, đồng thời kêu gọi Mỹ thiết lập các hệ thống theo dõi và giám sát để xác định các nguồn thải và điểm nóng về rác thải nhựa
Các tác giả của báo cáo cũng kêu gọi nước này phát triển chiến lược quốc gia về rác thải nhựa chậm nhất là vào cuối năm 2022.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CBNC & AFP)