Trung Quốc sẽ xây dựng một “hệ thống đổi mới công nghệ xanh” để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước ngầm. Ảnh: AP/Baochinhphu
Trong một kế hoạch hành động mới, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ xây dựng một “hệ thống đổi mới công nghệ xanh” trong giai đoạn 2021-2025 để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước ngầm, giảm thiểu rác thải và bảo vệ hệ sinh thái, cho rằng các công nghệ hiện tại chưa đủ sức để phục vụ nhu cầu lâu dài của đất nước.
Hệ thống này sẽ được hỗ trợ bởi các ưu đãi thuế và “ngân hàng công nghệ xanh” mới, đồng thời Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tài chính hỗ trợ nhiều hơn cho các công nghệ xanh sáng tạo, kế hoạch của chính phủ nêu rõ.
Kế hoạch mới được đưa ra nhằm giúp quốc gia thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới đạt được mục tiêu trở nên “trung hoà carbon” vào năm 2060. Trung Quốc đã giảm 1/3 lượng khí thải CO2 trên một đơn vị tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ qua, nhưng khối lượng tổng thể vẫn tiếp tục tăng.
Kế hoạch công nghệ cao được đưa ra chỉ vài ngày trước khi vòng đàm phán mới về khí hậu toàn cầu – COP27 khai mạc ở Ai Cập vào ngày 6/11 tới, với các đại diện Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung vào việc thuyết phục các nước công nghiệp phát triển viện trợ cho quỹ hàng năm trị giá 100 tỷ USD đã được chờ đợi từ lâu để giúp các quốc gia nghèo hơn thích ứng với sự gia tăng nhiệt độ.
Kế hoạch này hứa hẹn sẽ “triển khai khoa học và công nghệ một cách có hệ thống” để giải quyết một loạt các vấn đề môi trường, cải thiện khả năng đánh giá tác động của nhiệt độ tăng ở các khu vực dễ bị tổn thương, và giám sát các nguồn ô nhiễm mới, hóa chất độc hại và vi khuẩn kháng thuốc.
Ngoài ra, nước này cũng nhắc lại cam kết đối với công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) để ngăn chặn khí nhà kính xâm nhập vào khí quyển. Bắc Kinh hứa hẹn sẽ có nhiều nghiên cứu hơn nữa để hỗ trợ các dự án quy mô lớn và sử dụng các tầng ngậm nước để chứa CO2 đã được phân tách.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu về “công nghệ khử cacbon sâu” trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, bao gồm thép, xi măng, nhiệt điện và nông nghiệp.
Kế hoạch vừa được công bố này cũng kêu gọi hợp tác quốc tế nhiều hơn trong lĩnh vực khí hậu và môi trường, bao gồm cả với Mỹ.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)